Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận khảo sát thực tế tại các hộ dân trồng thanh long tại huyện Bắc Bình
Trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận và Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, ông Võ Đình Tâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, gia đình ông có 1.500 trụ Thanh Long đang cho trái. Thời gian qua, đầu ra của trái thanh long bấp bênh, có lúc ông chỉ bán được 600 đồng/1kg, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến người trồng thanh long như ông đứng ngồi không yên.
Tương tự hoàn cảnh của hộ ông Võ Đình Tâm, gia đình bà Trần Thị Kim Oanh cũng gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ Thanh Long. Những người nông dân thường chỉ biết canh tác chứ chưa biết cách tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Dù một số hộ nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi hay tham gia hợp tác xã để sản xuất ổn định, nhưng thực tế chính các hợp tác xã trên địa bàn cũng đang gặp khó khăn khi chưa tự quảng bá và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã phải giảm diện tích do nguyên nhân này, điển hình là Hợp tác xã thanh long Bắc Bình. Ông Phạm Văn Bán, Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Bắc Bình cho biết, trước đây hợp tác xã liên kết bán sản phẩm cho Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, tuy nhiên từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cũng gặp khó khăn nên từ đó đến nay Hợp tác xã Thanh long Bắc Bình không có đầu ra, sản xuất cầm chừng, diện tích giảm.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Bắc Bình
Hiện nay, tổng diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện Bắc Bình là 4.032ha, giảm 595ha so với năm 2021. Hiện việc sản xuất và tiêu thụ thanh long gặp thách thức vô cùng lớn, việc tiếp cận thông tin trường của người dân còn nhiều hạn chế. Chi phí đầu vào của vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó giá cả trái thanh long bấp bênh, có lúc thương lái không thu mua nên dẫn đến việc tiêu thụ rất khó khăn. Mặt khác các cơ sở thu mua, chế biến sau thu hoạch, xuất khẩu trái thanh long trên địa bàn huyện rất ít nên việc tiêu thụ không đảm bảo.
Tại buổi khảo sát, người dân và chính quyền huyện Bắc Bình cũng kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản sau thu hoạch, thực hiện bình ổn thị trường, nhất là giá cả vật tư nông nghiệp.
Các ý kiến qua khảo sát thực tế đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận ghi nhận, chọn lọc các vấn đề để đưa vào hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ trong việc sản xuất và tiêu thụ trái thanh long trong thời gian tới./.