
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày Tờ trình về việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong những năm gần đây, phía Hoa Kỳ liên tục nêu vấn đề về chính sách thị thực của ta gây khó khăn cho việc xin thị thực và nhập cảnh vào Việt Nam của công dân Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2014.
Trong các cuộc tiếp xúc gần đây với nước ta, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà Nội tiếp tục nêu những khó khăn sau khi Việt Nam triển khai thực hiện Luật nhập xuất cảnh 2014, theo đó, công dân Hoa Kỳ chỉ được cấp thị thực nhập cảnh ngắn hạn 03 tháng và không được gia hạn thời gian lưu trú.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh và kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật nhập xuất cảnh 2014, yêu cầu ta nới lỏng và mở rộng các quy định về cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ, phù hợp với quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư… đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết, Hoa Kỳ luôn cấp thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong vòng 01 năm và được lưu trú mỗi lần nhập cảnh tối đa 06 tháng, đối với sinh viên Việt Nam thì thời hạn tạm trú được kéo dài phù hợp với xác nhận tư cách sinh viên, nghiên cứu sinh (I-20) do các trường đại học cấp. Trong khi đó, Việt Nam thường cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ với thời hạn nhập cảnh 03 tháng, được nhập cảnh 01 lần hoặc nhiều lần tùy theo lệnh duyệt. Từ đó, phía Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam cấp thị thực 1 năm cho công dân Hoa Kỳ nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, hội nghị, việc riêng và các mục đích ngắn hạn, thay vì 3 tháng như hiện nay.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế với Hoa Kỳ dưới dạng công hàm trao đổi.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hà Huy Thông phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hà Huy Thông cho biết, Ủy ban đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng… để thảo luận về vấn đề này.
Ủy ban Đối ngoại nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc nâng thời hạn thị thực cấp cho công dân Hoa Kỳ lên 1 năm nhiều lần cho mục đích du lịch, hội nghị, việc riêng và các các mục đích nhập cảnh ngắn hạn khác, tương xứng với thị thực mà Chính phủ Hoa Kỳ cấp cho công dân Việt Nam trong nhiều năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập cảnh của công dân cũng như hợp tác kinh tế- thương mại giữa 2 nước.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, nội dung thỏa thuận này trái với Điều 9 quy định trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 2014. Do vậy, Ủy ban thẩm tra đề nghị, việc ký kết này chỉ có hiệu lực sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, Việt Nam nên sớm nâng thời hạn thời gian cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ theo hướng Chính phủ nêu. Bởi trong bối cảnh nước ta hiện nay đang hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, đặc biệt với các nước lớn. Việt kiều ở nước ngoài cũng rất đông, trong đó đông nhất là ở Hoa Kỳ. Do vậy, việc cấp thị thực giữa hai nước như đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, cần thiết phải có một cuộc họp để đánh giá tác động ngay sau khi thỏa thuận này được ký kết.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc cấp thị thực với thời hạn 3 tháng như hiện nay không hề gây khó khăn cho công dân Hoa Kỳ. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa, không thể đơn giản chỉ dựa vào nguyên tắc có đi có lại, mà cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng tác động trên lợi ích, an ninh quốc gia về việc ký kết thỏa thuận này.
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ đồng ý với việc Chính phủ đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực với Hoa Kỳ, sau đó Quốc hội sẽ cân nhắc phê duyệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ tịch đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động của vấn đề này đối với đường lối đối ngoại, an ninh quốc gia… trình Quốc hội.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội đồng ý với Chính phủ thực hiện đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận này có nội dung trái với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 2014. Do vậy, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nội dung thỏa thuận này cần được trình Quốc hội phê chuẩn và chỉ có hiệu lực sau khi được Quốc hội phê chuẩn.