Xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch - một hướng đi cần thiết

25/10/2024

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động quy hoạch, xây dựng, định hướng quản lý và phát triển đô thị bền vững, xây dựng nông thôn hiện đại. Theo đó, các ý kiến đại biểu, chuyên gia cũng cho rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch là một hướng đi cần thiết; đảm bảo tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất không gian phát triển quốc gia trên phạm vi cả nước.

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý và chia sẻ thống nhất trên cả nước

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được các đại biểu Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường vào sáng 25/10. Nội dung các quy định của dự thảo Luật vừa có tính chất kỹ thuật chuyên ngành chuyên sâu, vừa liên quan tới nhiều quy định của pháp luật khác; các quy hoạch đô thị và nông thôn có mối liên hệ chặt chẽ đến nhiều loại quy hoạch khác như quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất; hoạt động quy hoạch vừa có tính khoa học, vừa là quy trình có tính hành chính, quản lý nhà nước.

Vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế cụ thể tại Điều 53 của dự thảo Luật. Theo đó: Cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn gồm hồ sơ quy hoạch được số hóa sau khi phê duyệt, cơ sở dữ liệu địa lý về quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và được cập nhật thường xuyên; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý và chia sẻ thống nhất trên cả nước, phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn phải được triển khai xây dựng trong quá trình lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; bảo đảm kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; phục vụ công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan, tổ chức và người dân.

Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Điều 53 của dự thảo Luật cũng quy định rõ, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn trong cả nước; quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; cung cấp dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn, cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; Tổ chức tư vấn khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn phải bảo đảm hồ sơ quy hoạch được xây dựng đáp ứng quy định nội dung kỹ thuật về cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn; chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự thống nhất của cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn tại hồ sơ quy hoạch phù hợp với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Cũng theo quy định của dự thảo Luật, Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn, chi phí cho công tác xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan của pháp luật về tiếp cận thông tin, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chỉnh lý các quy định tại dự thảo Luật về: đăng tải công khai nội dung lấy ý kiến về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thẩm định quy hoạch; đăng tải công bố công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt, điều chỉnh; đăng tải thường xuyên, liên tục trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch, bảo đảm các cơ quan, tổ chức và người dân được tiếp cận thông tin quy hoạch công khai, minh bạch, đầy đủ, tạo sự đồng thuận.

Xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch là một hướng đi cần thiết

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Văn Minh, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch là một hướng đi cần thiết trong bối cảnh phát triển đô thị ngày càng tăng. Việc thực hiện chuyển đổi này sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đô thị, đồng bộ hóa thông tin, tối ưu hóa quá trình phân tích và dự báo; giúp quản lý và bảo tồn và phát triển đô thị được tốt hơn; hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của đô thị.

Qua nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Minh cũng chỉ ra những thách thức và khó khăn trong công tác chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, bao gồm: Vấn đề thiếu nguồn lực, việc triển khai chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực, từ nhân lực đến tài chính. Tuy nhiên, nhiều đơn vị quản lý đô thị vẫn đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực đủ để triển khai các dự án này. Bên cạnh đó, việc triển khai chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị đòi hỏi một cơ sở hạ tầng công nghệ đủ mạnh để hỗ trợ các ứng dụng công nghệ, nhưng nhiều đơn vị quản lý đô thị vẫn chưa đầu tư đủ mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ này. Đồng thời, còn nhiều đơn vị quản lý đô thị không có sự đồng bộ trong việc thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu quy hoạch đô thị.

Cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch (Ảnh minh họa)

Với việc thu thập, quản lý và chia sẻ thông tin quy hoạch đô thị, vấn đề bảo mật thông tin trở nên rất quan trọng, vấn đề này được quan tâm đặc biệt bởi những rủi ro về an ninh quốc gia, mất trắng thông tin quan trọng về quy hoạch đô thị, hoặc thậm chí là sử dụng thông tin này để phục vụ lợi ích cá nhân. Ngoài ra, việc triển khai chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị đòi hỏi sự đồng thuận của cộng đồng, bao gồm cả những nhà đầu tư và cư dân tại các đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa nhận ra tầm quan trọng của việc triển khai chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị. Nội dung quy hoạch mới chỉ được tham vấn cộng đồng ở bước thực hiện lập quy hoạch.

Để giải quyết các thách thức và khó khăn trong công tác chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu trong quy hoạch đô thị ở Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Minh đưa ra một số giải pháp định hướng như sau:

Một là, tăng cường đầu tư và tài trợ. Để triển khai các dự án chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị, cần có nguồn vốn đầu tư và tài trợ đủ lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị quản lý đô thị cần có sự hợp tác để đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm thu hút nguồn vốn từ các nguồn khác nhau.

Hai là, tăng cường quản lý và bảo mật dữ liệu. Việc quản lý và bảo mật dữ liệu là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tính bảo mật và chính xác của dữ liệu. Các cơ quan chức năng cần thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc truy cập và sử dụng dữ liệu, đồng thời đưa ra các biện pháp để đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật và riêng tư của dữ liệu.

Ba là, đào tạo và phát triển nhân lực. Để đảm bảo việc triển khai và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và cơ sở dữ liệu, cần có đội ngũ nhân lực chuyên môn, giàu kinh nghiệm và được đào tạo về các kỹ năng và kiến thức cần thiết. Các cơ quan chức năng cần đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng các công nghệ số trong công tác quy hoạch đô thị.

Bốn là, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng: Việc thực hiện chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch đô thị là một công việc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và tài nguyên để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quy hoạch đô thị.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Vinh, Học viện Chính trị khu vực II

Cũng quan tâm tới các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, PGS.TS. Nguyễn Tấn Vinh, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng cần tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, hình thành và phát triển các vùng động lực; các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; các cực tăng trưởng quốc gia quan trọng trở thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục bắc - nam, các hành lang kinh tế đông - tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Việc phân kỳ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia do cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu và khả năng nguồn lực.

Hồ Hương

Các bài viết khác