CHỦ TỊCH QUỐC HỘI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ TƯ BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CÁC CHUYÊN ĐỀ CỦA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI

23/12/2021

Sáng 23/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ Tư của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án ''Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045''.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Phó trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ;....

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH/ĐĐQH15 ngày 10/8/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 ”, Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức Phiên họp lần thứ tư, nghe Tiểu ban số 2 báo cáo và cho ý kiến vào Đề án Chuyên đề về "“Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” (Chuyên đề số 11). Chuyên đề số 11, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng Tiểu ban số 2; Ban Công tác Đại biểu là cơ quan thường trực giúp Tiểu ban số 2 xây dựng báo cáo nội dung Chuyên đề.

Chuyên đề có tính tổng kết thực tiễn và ứng dụng cao đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 2 cho biết, Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là chuyên đề có tính tổng kết thực tiễn và ứng dụng cao đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Chuyên đề tập trung đi vào nghiên cứu những nội dung trọng tâm theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo theo Kế hoạch 02-KH/ĐĐQH và kế thừa, phát triển những kết quả nghiên cứu của các chuyên đề khác, nhất là phần cơ sở lý luận.

Về phạm vi, Chuyên đề bám sát yêu cầu của Ban chỉ đạo Đề án, Tiểu ban số 02 triển khai chuyên đề theo đúng phạm vi được phân công. Nội dung Chuyên đề gồm 2 phần chính: Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 2

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, Chuyên đề kế thừa những kết quả nghiên cứu của các chuyên đề khác về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật để làm rõ hơn yêu cầu đặt ra với Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền với 3 nội dung: (1) Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Những quy định chung của pháp luật về Quốc hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội; (3) Quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội (từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay).

Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng kết hoạt động của Quốc hội các khóa, cũng như những lần sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chuyên đề đánh giá thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thực trạng tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ năm 1992 (từ Quốc hội khóa IX) đến nay, đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân.

Cũng tại Chuyên đề, trên cơ sở làm rõ bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế tác động đến Quốc hội, những yêu cầu của tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Chuyên đề xác định các quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đổi mới về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo 2 giai đoạn từ nay đến 2030 (tương ứng với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và khóa XVI) và từ 2030 đến 2045, xây dựng một Quốc hội dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Tại Chuyên đề đã đưa ra nhiều giải pháp tập trung vào hai trụ cột chính là đại biểu Quốc hội và cơ quan của Quốc hội. Trong đó, nhấn mạnh, Quốc hội khóa XV đổi mới tổ chức bên trong các cơ quan của Quốc hội; đổi mới phương thức, quy trình, nội quy, phương thức tổ chức hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan giúp việc, điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở Hiến pháp và Luật hiện hành; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước Nhân dân; có cơ chế để Nhân dân, nhà khoa học tham gia vào hoạt động của Quốc hội. Tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội....

Để tiếp tục hoàn thiện Chuyên đề, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu một số vấn đề xin ý kiến Ban Chỉ đạo như: Về số lượng các Ủy ban của Quốc hội khóa XVI; Về đại biểu Quốc hội chuyên trách, Về độ tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội, Về thời điểm tổ chức kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Lấy phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội bầu, phê chuẩn; Số lượng kỳ họp Quốc hội,…

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong quá trình xây dựng Đề án Chuyên đề số 11, bộ phận soạn thảo đã thực hiện theo hướng: Nội dung phải thống nhất với các chuyên đề khác trong tổng thể các Đề án Bộ Chính trị giao cho Quốc hội; Tinh thần là kế thừa và phát huy để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, hiệu lực hiệu quả của Quốc hội; Những vấn đề đã chắc, đã chín muồi thì áp dụng, thực hiện luôn, những nội dung vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; Phân công thực hiện phải rõ ràng cụ thể nhiệm vụ cho từng giai đoạn, cụ thể về cơ chế vận hành, điều kiện đảm bảo; Không phải cứ thêm chức năng là thêm tổ chức mà theo hướng bổ sung nhiệm vụ thì thêm chức năng;...

Tập trung vào những vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng lớn...

Cho ý kiến vào Chuyên đề số 11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Tiểu ban số 2. Về cơ bản, nội dung nghiên cứu đã bám sát kế hoạch, tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Đảng Đoàn Quốc hội.

Khẳng định đây là đề tài khó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tiểu ban số 2 cân nhắc cách thức thực hiện chuyên đề, đảm bảo Chuyên đề nằm trong tổng thể Đề án chung về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

“Chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề nguyên tắc mang tính định hướng lớn về tổ chức hoạt động Quốc hội. Do đó, hàm lượng khoa học phải nghiên cứu gia tăng thêm, làm rõ cơ sở để kiến nghị về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm quốc tế đặc biệt đối với những vấn đề mới về tổ chức, hoạt động của mô hình Quốc hội trong nhà nước pháp quyền; tổng kết đánh giá toàn diện, sâu sắc các thời kỳ hoạt động Quốc hội;…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Gợi mở một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tiểu ban số 2 tiếp tục làm rõ một số thành tố trong quá trình nghiên cứu như: tổ chức Quốc hội bao gồm những gì?; phương thức hoạt động Quốc hội ?; … Đồng thời, nghiên cứu thêm về mặt bố cục, bổ sung thêm các căn cứ về khoa học cũng như thực tiễn; Tiếp tục rà soát, nghiên cứu làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể về: Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; Vấn đề đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri; Tăng cường mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên trong hoạt động Quốc hội; Lấy phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội bầu, phê chuẩn;…

Về UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo đề án đã có đề nghị đúng hướng là chuyển dần một số chức năng hoạt động của Quốc hội về UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội viện dẫn mô hình hoạt động của Quốc hội một số nước cho thấy, Quốc hội chỉ xem xét, thông qua Hiến pháp, các đạo luật cơ bản; phần lớn các luật và việc quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề án cũng cần đặt vấn đề về việc xem xét mở rộng thành phần UBTVQH, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của UBTVQH…

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần nghiên cứu về thiết chế Tổng thư ký; tăng hoạt động chất vấn, giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; về mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân; vấn đề bồi dưỡng đại biểu dân cử để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội cần được quan tâm đúng mức vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, quyết định tới tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; về cơ cấu thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao kết quả nghiên cứu, sự chuẩn bị kỹ lương, công phu của Tiểu ban số 2 đồng thời ghi nhận việc triển khai xây dựng Chuyên đề đã đáp ứng yêu cầu theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai nghiên cứu, Tiểu ban số 2 đã tiến hành nhiều hoạt động tham vấn chuyên gia, xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;.... một cách bài bản; nội dung thông tin tại Chuyên đề tương đối dày dặn, phong phú; nhiều kiến nghị có tính đột phá;...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đồng tình với kết cấu, bố cục của Chuyên đề số 11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chuyên đề đã phản ánh toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Chuyên đề, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần bổ sung phần đánh giá về mô hình tổ chức Ban Thư ký Quốc hội.

Tán thành với đề xuất tăng số lượng Ủy ban một cách hợp lý, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiến nghị, cần rà soát lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của các Bộ, ngành.

Góp ý vào Chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hồ sơ chuyên đề được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ; đã có sự tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện một bước quan trọng, chất lượng được nâng lên. Trong quá trình triển khai nghiên cứu chuyên đề, Tiểu ban số 2 cũng đã nghiên cứu các đề tài khoa học có liên quan; huy động sự tham gia của các chuyên gia; lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;…

Để tiếp tục hoàn thiện Chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị cân nhắc một số nội dung cụ thể liên quan đến cách thức đặt tên tiêu đề; một số nhận định/đánh giá tại báo cáo cần rà soát, cân nhắc thận trọng hơn; xem xét đưa ra tiêu chí xác định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan của Quốc hội;…

Đánh giá cao nỗ lực của Tiểu ban số 2 trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, về cơ bản chuyên đề đáp ứng yêu cầu Đề cương của Ban Chỉ đạo, chuyên đề chứa đựng nhiều thông tin, tài liệu quý liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Góp ý nhằm hoàn thiện Chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tiểu ban số 2 cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung cụ thể đồng thời tăng tính liên kết, logic giữa các tài liệu; các kiến nghị/giải pháp đưa ra cần có lập luận chặt chẽ về mặt khoa học và thực tiễn;…

Cũng tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị Tiểu ban số 2 lưu ý làm rõ thêm kinh nghiệm quốc tế; bổ sung, hoàn thiện nội dung phần giải pháp; rà soát, chỉnh lý một số câu chữ cho phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, quy định của pháp luật; làm rõ căn cứ xác định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; cân nhắc xem xét lại nội hàm Kỳ họp Quốc hội; đề nghị sau khi tiếp thu hoàn thiện lại Báo cáo chuyên đề, cần xem xét xin ý kiến một số cơ quan bên ngoài Quốc hội; …

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Phiên họp.

Kết luận Phiên họp thứ Tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết qua thảo luận, ý kiến trong Ban Chỉ đạo đều đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Tiểu Ban số 2 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Tiểu ban số 2.

Ghi nhận chất liệu, nội dung tại Chuyên đề số 11 được chuẩn bị công phu, nhiều thông tin phong phú; tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý; bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đề án chung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tiểu ban số 2 tiếp tục hoàn thiện Chuyên đề theo hướng, tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu thảo luận tại Phiên họp.

Trong phạm vi Chuyên đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm sâu sắc, kỹ lưỡng, rõ hơn nội hàm về tổ chức của Quốc  hội, bao gồm những thành tố nào. Từ đó, làm rõ các đặc điểm, tính chất, mối quan hệ của Quốc hội trong cả hệ thống chính trị. Đồng thời, định vị rõ về các thành tố tạo chất lượng hoạt động của Quốc hội, để có giải pháp sát thực, căn cơ trong đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Xác định rõ phạm vi, đối tượng nghiên cứu; xác định rõ phương thức hoạt động của Quốc hội;…..

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới định hướng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua mô hình tổ chức, các thiết chế, tăng dần số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho phù hợp, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp với các cơ quan khác,…

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc nghiên cứu, giải quyết chuyên đề này phải đặt trong mối tương quan với các chuyên đề khác và các đề án lớn trình Bộ Chính trị lần này để tránh trùng lắp về nội dung; về tính phổ quát của mô hình Nhà nước pháp quyền,...Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chuyên đề số 11 phải tập trung làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế theo hệ thống, phân loại mô hình; nghiên cứu rút ra những quan điểm lớn, định hướng lớn; nguyên tắc, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu;... "Ngay sau khi tiếp thu hoàn thiện nội dung chuyên đề, Tiểu ban số 2 tiến hành gửi tới các cơ quan ngoài Quốc hội; nguyên Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội... để  xin ý kiến góp ý đảm bảo cao nhất chất lượng nghiên cứu của Đề án", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu./.

Lê Anh - Minh Hùng