CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ ĐỂ KHÔNG DÁM VÀ KHÔNG THỂ THỰC HIỆN HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

31/05/2022

Chiều 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang va Tp.Hải Phòng về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ các nội dung nhằm tăng cường phòng ngừa bạo lực gia đình, đề cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường và toàn xã hội; nhấn mạnh Luật cần chặt chẽ, bám sát thực tiễn sinh động của cuộc sống để khi ban hành tạo được sự chuyển biến thực chất.

 

Tăng cường các quy định mang tính phòng ngừa bạo lực gia đình

Đánh giá cao cách thức làm việc của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp đã có sự tiến bộ so với các dự thảo trước đây. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã sớm có báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nêu rõ mục tiêu lớn nhất khi sửa đổi luật lần này làm rõ hơn nữa vấn đề phòng bạo lực gia đình hơn là chống, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phòng là cơ bản, đi trước, chống phải cương quyết. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ các giải pháp cho việc phòng ngừa bạo lực gia đình mới chỉ đề cập đến công tác thông tin tuyên truyền. Trong khi thực tế có nhiều cách để không dám và không thể thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Để không thể thực hiện bạo lực gia đình đòi hỏi luật phải chặt chẽ; để không dám thì chế tài phải nghiêm. Chủ tịch Quốc hội lưu ý lần sửa đổi Luật lần này cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phòng và chống để khi Luật ra đời tạo được sự chuyển biến căn bản về tình hình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ

Một trong những nhóm chính sách cơ bản trong dự thảo Luật lần này là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật đang quy định theo hướng giao nhiệm vụ của công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho một số cơ quan, tổ chức, chưa có cơ chế huy động xã hội tham gia vào tất cả các hoạt động trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình như quy định việc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng do địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư thực hiện, trong khi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước hư xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Song cũng cần có các quy định để nâng cao trách nhiệm của các địa phương và thu hút sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia định với nhà trường, các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các hội, liên hiệp hội liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trên thực tế có nhiều vụ việc phức tạp nghiêm trọng về bạo lực gia đình được phát hiện chủ yếu nhờ các cơ quan thông tấn báo chí, trong khi đó vai trò của các thiết chế trong hệ thống chính trị lại chưa nổi bật rõ ràng.

Quy định sát với thực tiễn sinh động của cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận quy định về các  hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo Luật lần này đã có sự thay đổi nhiều so với các dự thảo trước, theo đó nhiều hành vi bạo lực gia đình đã được bổ sung, cập nhật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan như người trong gia đình ép buộc học tập quá mức dẫn đến trầm cảm dẫn đến phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề ngoài bạo lực thể chất còn bạo lực tinh thần, hay ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi…là những vấn đề cần được nghiên cứu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào trong Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.tiếp tục phân tích rà soát để nhận điện đầy đủ hành vi bạo lực gia đình.

Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang va Tp.Hải Phòng

Dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam nếu có hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị có thêm giải trình về nội dung này, rõ thêm thêm thông tin, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn làm căn cứ để bổ sung đối tượng này; đồng thời cụ thể hóa các quy định về phòng chống bạo lực gia đình để có thể áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Chỉ rõ, gia đình người nước ngoài ở Việt Nam gồm gia đình có cả vợ và chồng là người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét để quy định nội dung này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra về việc đề nghị cân nhắc bổ sung đối tượng là người đã từng có quan hệ gia đình nay không còn quan hệ gia đình nhưng vẫn còn ở chung một nhà mới là đối tượng của luật phòng chống bạo lực gia đình. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu quy định đối tượng là “người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” thì sẽ rất rộng bởi “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” có thể phát sinh giữa những người không có quan hệ gia đình như quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Do đó, chỉ nên áp dụng đối với đối tượng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng mang tính chất gia đình hoặc như gia đình, hoặc sau khi không còn quan hệ gia đình nữa nhưng vì lí do nào đó vẫn sống chung cùng một nhà… để bảo đảm tính khả thi và kỹ thuật lập pháp. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, đối với trường hợp người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng không còn quan hệ gia đình nữa thì khi đó các hành vi bạo lực có thể xử lý theo pháp luật dân sự, hành chính, hình sự tùy từng mức độ.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tập trung trách nhiệm cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này với nhiều cơ quan cùng tham gia. Tuy nhiên, khi vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng được các cơ quan báo chí phát hiện thì các cơ quan quản lý nhà nước lại rất lúng túng trong giải quyết xử lý, phân định trách nhiệm chủ trì, phối hợp. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương bảo đảm có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội. Luật sửa đổi lần này cần có quy định sát với thực tiễn sinh động của cuộc sống để bảo đảm khả thi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật để khi Luật được ban hành khả thi, hiệu quả, tạo được chuyển biến thực sự trên thực tế. Cùng với đó các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu sâu sắc các nội dung đặt ra đối với dự án Luật này.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Trần Lưu Quang điều hành phiên thảo luận tổ

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiến Giang

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Bảo Yến - Phạm Thắng