CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: QUỐC HỘI TẬP TRUNG TRÍ TUỆ ĐỂ LUẬT HOÀN THIỆN Ở MỨC CAO NHẤT VÌ MỤC TIÊU CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

27/05/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 12, nêu rõ dự thảo Luật sẽ nhằm mục tiêu cao nhất về chăm sóc sức khỏe Nhân dân đồng thời luật hóa những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu tập trung trí tuệ để hoàn thiện dự thảo Luật ở mức cao nhất.

 

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Kiên Giang, Thái Bình và Tp.Hải Phòng, cho ý kiến về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là một trong những dự án rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, qua giai đoạn chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, liên quan đến y tế cơ sở, liên quan đến y tế dự phòng…Để giải quyết tình thế, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 cho phép áp dụng những biện pháp đặc biệt chưa được quy định trong luật hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một sso cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ chiều 26/5

Thực tế đó cho thấy nhiều vấn đề cần phải được luật hóa như quy định về thành lập và giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh đối với bệnh viện dã chiến, cơ sở pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa…Khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành phải nghiên cứu đưa những gì thực tiễn phát sinh, rà soát kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời, sửa đổi Luật cũng cần phải tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Nêu rõ, Nghị quyết kết tinh chủ trương, chính sách về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, theo Chủ tịch Quốc hội việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tăng cường y tế cơ sở y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo vệ an toàn bệnh nhân và các y bác sỹ. Luật cũng cần bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, nhiệm vụ đúng vai; đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật bởi dự án Luật này liên quan đến nhiều đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cơ chế tự chủ tài chính…

Cho biết còn nhiều vấn đề cần rà soát bảo đảm thống nhất, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội cần tập trung trí tuệ để hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ở mức cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Về phạm vi điều chỉnh, lưu ý cần phân định giữa khám chữa bệnh với các hoạt động của y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cho biết y tế dự phòng được chi từ ngân sách nhà nước, không lấy trong Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng tầm soát ung thư không phải là hoạt động khám chữa bệnh mà thuốc y tế dự phòng thì có thể thực hiện xã hội hóa hoặc chi từ ngân sách nhà nước. Hay như Hà Nội đặt mục tiêu mỗi người dân trong một năm được khám bệnh ít nhất 1 lần thì sẽ chi từ kinh phí y tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hàm ý của Luật này sẽ không điều chỉnh hoạt động liên quan đến y tế dự phòng.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Về quy định thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần rà soát để bổ sung quy định về địa vị pháp lý và mối quan hệ giữa Hội đồng y khoa quốc gia với các cơ quan cấp Giấy phép hành nghề, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Hội đồng y khoa chỉ có một vài người làm chuyên trách thì nên chăng tập trung vào quá trình tổ chức huấn luyện, đào tạo, tổ chức thi tuyển, đánh giá, còn cấp giấy chứng nhận hành nghề giao cho các cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ đủ sức hơn? Trên thế giới hiện cũng có xu hướng giao các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện việc cấp giấy phép hành nghề. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị “cần tiếp tục nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam về vấn đề này”. 

Đối với quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phải có lý giải, quan trọng là lập luận như thế nào, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế như thế nào để có phương án tối ưu. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đối tượng nào phải biết tiếng Việt, nhân viên y tế ở bệnh viện hay cả đối tượng đứng ra đăng ký thành lập cơ sở khám chữa bệnh.

Về tổ chức hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo cách phân định hiện nay thì được định hình thành 4 tuyến, song, dự thảo Luật đề xuất phân hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật (cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu). Đây là một vấn đề mới nên cần phải đánh giá tác động sâu hơn về quy định phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm tính khả thi. Làm rõ ưu điểm, nhược điểm của việc tổ chức lại hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn so với cách làm hiện nay vì không phải cứ quy định mới đã là hay, phải có lập luận thuyết phục. 

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cần xác định các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm cơ sở công lập, cơ sở tư nhân nhưng mang tính chất là doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận không chia mà để bổ sung đầu tư cho hoạt động và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động hoàn toàn theo lợi nhuận như một doanh nghiệp bình thường.

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Kiên Giang, Thái Bình và Tp.Hải Phòng

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần cẩn trọng với quan điểm cho rằng với những cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì để cho tư nhân hoàn toàn định giá. Từ kinh nghiệm  thực tiễn, các nước thành công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đều khuyên chúng ta “nếu coi xã hội như một sân đấu bóng đá thì đừng nên để cho các cầu thủ y tế, giáo dục bố trí ở vị trí tiền đạo, cùng lắm là vị trí tiền vệ, phòng ngự thôi, tức là đừng nhô lên trên thị trường cao quá”. Nhiều nước để xã hội hóa y tế và giáo dục quá cao nên sinh ra chuyện lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu quả tuyến y tế cơ sở, đẩy áp lực lên tuyến trên. Nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng thì dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có nên xác định một khung cho ngành y tế hay không? Tức là, Chính phủ phân theo từng loại hình bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh để xây dựng khung giá dịch vụ phù hợp. Theo đó, cần phân định thành cơ sở y tế công lập đã xã hội hóa, tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư; cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhưng mang tính chất là doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận thu được không để chia mà dành để tái đầu tư và cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân hoàn toàn. Ba loại cơ sở khám chữa bệnh này nên chăng có chính sách khác nhau. Vai trò của quản lý Nhà nước trong quản lý giá dịch vụ y tế như thế nào cũng là vấn đề phải tính kỹ. Sau này, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cũng phải tính toán để nâng mệnh giá bảo hiểm y tế./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác