PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ LỄ TỔNG KẾT HỘI THI HÒA GIẢI VIÊN GIỎI TOÀN QUỐC

08/11/2023

Tối 08/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ tổng kết, trao giải Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV và phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TẠI BẮC GIANG

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Lễ tổng kết, trao giải Hội thi "Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV".

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Sau một ngày thi nghiêm túc với những phần thi được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, quá trình làm việc khách quan, công tâm của ban giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra những đội thi xuất sắc nhất để trao thưởng. Theo đó, Ban Tổ chức đã trao hoa, biểu trưng Hội thi và Giấy chứng nhận cho đội đoạt giải Nhất (đội Hà Tĩnh); giải Nhì (đội Thanh Hóa, Nghệ An); giải Ba (đội thành phố Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao giải Nhất cho đội thi tỉnh Hà Tĩnh. 

Trước đó, Ban Tổ chức đã trao 8 giải Khuyến khích cho các đội Đắk Lắk, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Tây Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai.

Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV là một trong những điểm nhấn nổi bật nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9.11.2023; góp phần triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng toàn diện, đổi mới, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện mục tiêu “đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội” đã được khẳng định tại Nghị quyết sổ 27-NQ/TW, ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Tại Lễ tổng kết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã thực hiện nghi thức phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đây là hoạt động tiếp nối sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua; phát huy chức năng, nhiệm vụ của ngành tuyên giáo và ngành tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Đối tượng dự thi là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; chiến sĩ các lực lượng vũ trang; đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội; các tầng lớp nhân dân; công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài... Nội dung thi tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” Phan Xuân Thủy phát biểu tại Chương trình.

Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp tại địa chỉ https://moj.gov.vn và Trang Thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương tại địa chỉ https://baocaovien.vn. Cuộc thi diễn ra từ ngày 9 - 29/11/2023, tương ứng với ba tuần thi. Mỗi tuần thi có một bộ câu hỏi (gồm 10 câu), trong đó có 9 câu trắc nghiệm liên quan đến nội dung thi được lựa chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi của Ban Tổ chức và một câu dự đoán số lượng người trả lời chính xác tất cả các câu trắc nghiệm. Bài dự thi chỉ được coi là hợp lệ khi người dự thi trả lời đủ 10 câu hỏi. Người dự thi được tham gia tối đa 3 lần/tuần. Ban Tổ chức Cuộc thi lấy kết quả thi cao nhất trong các lần thi của thí sinh để tính điểm xét giải./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác