KHAI MẠC HỘI THẢO TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ NGHỊ VIỆN CAMPUCHIA
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Đức Hải; Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ quan hệ Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Quốc hội Vương quốc Campuchia Men Sam An; Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, Các vấn đề xã hội, Phục hồi, Kỹ năng thanh niên, Lao động, học nghề và Công tác phụ nữ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thượng viện Vương quốc Campuchia Mean Som An đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện giao lưu Nghị sĩ hữu nghị hai nước, là hoạt động được tổ chức ngay sau chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; triển khai nội dung “Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Vương quốc Campuchia”, là sự kiện khép lại các hoạt động trong “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022” và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1967 -2022).
Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Đức Hải; Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ quan hệ Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Quốc hội Vương quốc Campuchia Men Sam An; Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, Các vấn đề xã hội, Phục hồi, Kỹ năng thanh niên, Lao động, học nghề và Công tác phụ nữ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thượng viện Vương quốc Campuchia Mean Som An đồng chủ trì Hội thảo.
Việc Quốc hội Việt Nam chủ trì hội thảo lần này thể hiện vai trò chủ động, tích cực, cũng như tinh thần trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác giữa hai nước và hai Cơ quan lập pháp Việt Nam - Campuchia.
Kinh nghiệm trong việc đưa ra quyết sách kịp thời, quyết liệt
Một trong những nội dung được trao đổi tại hội thảo là kinh nghiệm trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, du lịch và vai trò của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề phía Campuchia đặc biệt quan tâm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Phan Đức Hiếu
Trình bày tham luận với chủ đề Vai trò của Quốc hội trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Phan Đức Hiếu cho biết, dịch COVID-19 xảy ra bất ngờ từ cuối năm 2019 và kéo dài trong năm 2020, 2021, những tháng đầu năm 2022 đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đã đưa ra các gói hỗ trợ với quy mô lớn, chưa có tiền lệ, thời gian triển khai nhanh chóng, đặc biệt một số nước có tiềm lực kinh tế lớn đã thực hiện chính sách siêu nới lỏng cả về tài khóa và tiền tệ, tăng bội chi ngân sách, trần nợ công, nợ Chính phủ… nhằm có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế.
Tại Việt Nam, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Phan Đức Hiếu khẳng định công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân đã được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Quốc hội khóa XV đã kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”. Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư (từ tháng 7/2021), hầu hết các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức. Tăng trưởng GDP Quý III năm 2021 giảm sâu chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, có trọng tâm, trọng điểm, nền kinh tế sẽ khó có thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm “đổi mới”, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới. Do vậy, việc sớm đề xuất, ban hành và triển khai các chính sách kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo
Ngày 4/1/2022, Quốc hội khóa XV đã khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô, chính sách chưa có tiền lệ; Nghị quyết số 44/2022/QH15 về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Riêng đối với Nghị quyết số 43/2022/QH15, đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để ứng phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đồng thời, đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ quan hệ Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Quốc hội Vương quốc Campuchia Men Sam An
Các quyết sách quan trọng này đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới, thể hiện sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự chủ động, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu rõ.
Quốc hội Việt Nam không đứng ngoài cuộc mà luôn giám sát chặt chẽ, hỗ trợ Chính phủ
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết thêm, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nước, trong đó có Việt Nam vừa bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, thì lại liên tiếp phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, nhất là từ tác động của cuộc xung đột địa chính trị, giá nguyên vật liệu biến động mạnh; tình trạng lạm phát cao và suy giảm tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu... diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro. Do đó, Quốc hội Việt Nam đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trong xây dựng và ban hành chính sách, không chỉ nhìn riêng cho năm 2022 và 2023.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Phan Đức Hiếu
Quốc hội đã không đứng ngoài cuộc mà luôn giám sát chặt chẽ, hỗ trợ Chính phủ tập trung điều hành, quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nắm chắc tình hình, tập trung xử lý các vấn đề lớn, mới phát sinh về xăng dầu, vật tư y tế, hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…; theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp, lao động, việc làm, chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
Qua quá trình xây dựng, ban hành và điều chỉnh chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội những năm vừa qua, đại biểu Phan Đức Hiếu chỉ rõ các bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự chủ động, quyết liệt, kịp thời của Quốc hội; sự nỗ lực, ý chí, điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ; sự đoàn kết, đồng lòng của các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, quy mô chính sách phù hợp trong khung khổ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Thứ ba, thiết kế chính sách bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng; hỗ trợ cả phía cung và cầu; khả năng hấp thụ nhanh; dễ kiểm tra giám sát, trách nhiệm rõ ràng.
Thứ tư, các biện pháp hướng đến đa mục tiêu – vừa hỗ trợ khó khăn doanh nghiệp, người lao động, giải quyết vấn đề xã hội vừa tạo dựng hạ tầng kinh tế và phòng chống dịch; đồng thời thúc đẩy tận dụng cơ hội mới chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tiết kiệm chi của ngân sách; sử dụng chính sách thuế phù hợp để tăng tổng thu; tăng cường rà soát để khơi thông, huy động động tối đa các nguồn lực tồn dư của nền kinh tế
Thứ sáu, hỗ trợ mang tính chất bổ sung và được thực hiện đồng thời trong tổng thể các chương trình cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội khác.
Thứ bảy, cần tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trên nhiều mặt về thương mại, đầu tư, phòng chống dịch… nhằm hỗ trợ tốt hơn, đồng đều hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Cơ quan lập pháp đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa
Trao đổi về Hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia về phát triển văn hóa, du lịch và vai trò của cơ quan lập pháp Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, hợp tác giữa hai nước ở các lĩnh vực văn hóa - xã hội nói chung, lĩnh vực văn hóa, du lịch nói riêng được hai bên quan tâm và tích cực thúc đẩy. Trong thời gian qua, hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác văn hóa, du lịch, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng. Các hoạt động được tiếp tục đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn. Quan hệ giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Campuchia phát triển tốt đẹp trên cơ sở quan hệ song phương và đa phương trong khuôn khổ ASEAN.
Việt Nam và Campuchia luân phiên tổ chức Tuần Văn hóa tại lãnh thổ hai nước; thường xuyên cử các đoàn nghệ sỹ tham gia các liên hoan, sự kiện văn hóa quốc tế và quốc gia được tổ chức ở mỗi nước. Về lĩnh vực du lịch, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác du lịch năm 1995, Bản Ghi nhớ hợp tác du lịch năm 2015 và triển khai khá hiệu quả các văn bản này. Hai nước đã miễn thị thực cho công dân của mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông đi du lịch. Giao thông đường không, đường sông, đường bộ kết nối giữa các thành phố lớn của hai nước thuận tiện cho du lịch.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng
Năm 2019, lượng khách Campuchia sang Việt Nam đạt 227.910 lượt. 9 tháng đầu năm 2022, con số này là 44.515 lượt. Năm 2019, khách Việt Nam sang Campuchia đạt 908.803 lượt, đứng thứ hai về gửi khách đến Campuchia. 8 tháng đầu năm, Campuchia đón 189.782 lượt khách Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 2 về gửi khách đến Campuchia, sau Thái Lan.
Để đạt được những thành tựu trên, vai trò của cơ quan lập pháp rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa, trong đó có hợp tác về các lĩnh vực này giữa hai nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, Các vấn đề xã hội, Phục hồi, Kỹ năng thanh niên, Lao động, học nghề và Công tác phụ nữ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thượng viện Vương quốc Campuchia Mean Som An
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa chia sẻ, thời gian qua, hệ thống pháp luật về lĩnh vực văn hóa, du lịch được quan tâm và từng bước được hoàn thiện. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trực tiếp chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với các dự án luật về lĩnh vực văn hóa, du lịch như: Luật Quảng cáo, Luật Xuất bản, Luật Thư viện, Luật Du lịch.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Đoàn Thượng viện Vương quốc Campuchia phát biểu tại Hội thảo
Mới đây nhất, Quốc hội Việt Nam đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được phân công đồng chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh và một số cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Qua đó, đánh giá tình hình cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; việc thực hiện chính sách, pháp luật và huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, hợp tác văn hóa nghệ thuật
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trong phát triển văn hóa, du lịch, trong thời gian tới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa nêu rõ các đề xuất. Theo đó, Quốc hội Campuchia và Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác thông qua đối thoại, tham vấn, đào tạo chung và nâng cao năng lực, qua trao đổi chuyến thăm; hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo
Tiếp tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao giữa các Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban hoặc Ban, các Nhóm nghị sĩ, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, các Nữ nghị sĩ và Nghị sĩ trẻ; tổ chức hội thảo, cuộc họp, hội nghị nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và lợi ích chung thông qua ngoại giao nghị viện. Tăng cường trao đổi các chuyến thăm cam kết chia sẻ kinh nghiệm, các thực tiễn tốt trong xây dựng luật pháp về lĩnh vực văn hóa, du lịch giữa hai nước.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, kế hoạch hợp tác văn hóa nghệ thuật Việt Nam-Campuchia; Tuần Văn hóa tại mỗi quốc gia. Tăng cường các hoạt động hợp tác song phương để thực hiện các hoạt động thúc giới thiệu, xúc tiến du lịch, truyền thông quảng bá phục hồi du lịch hậu COVID-19; trao đổi các biện pháp tăng cường liên kết du lịch đường sông, đường bộ, kết nối di sản thế giới của hai nước.
* Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các nhóm vấn đề về hợp tác tiểu vùng sông Mê Công; Phương hướng và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước nói chung và giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước nói riêng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; Quốc hội điện tử; tăng cường hợp tác giao lưu giữa Đà Nẵng với một số địa phương của Campuchia; môi trường đầu tư kinh doanh tại Campuchia dưới góc nhìn của doanh nghiệp.
Sau hội thảo, các đại biểu hai nước đều thống nhất thông tin và các bài học kinh nghiệm từ Hội thảo rất hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng hoặc tiếp tục hòa thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai nước trong tình hình mới; góp phần tăng cường hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước nói chung và giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước nói riêng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực./.