CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI CHỦ ĐỘNG, ĐÔN ĐỐC VIỆC CHUẨN BỊ CÁC NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI VÀ UBTVQH

28/11/2022

Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thường kỳ thứ 17, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 17 CỦA UBTVQH: TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 4 VÀ XEM XÉT VIỆC TỔ CHỨC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 CỦA QUỐC HỘI

PHIÊN HỌP THỨ 17: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 4, CHUẨN BỊ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG, KỲ HỌP THỨ 5 CỦA QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 5 nhóm việc.

Thứ nhất, tổng kết Kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất với Chính phủ tính toán khả năng có một Kỳ họp bất thường lần thứ 2 dự kiến vào đầu năm 2023 để xem xét, quyết định một số các vấn đề cấp thiết, đáp ứng ngay yêu cầu quản lý của Nhà nước, đảm bảo được tính khả thi.

Theo đó, dự kiến các nội dung cần được sớm xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội bao gồm:

Một là, xem xét để thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 6 đã cho kết luận về định hướng về vấn đề này. Đến nay, trách nhiệm của Quốc hội theo Luật Quy hoạch là phải xem xét để thông qua quy hoạch này, làm căn cứ cho một số quy hoạch khác như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch các vùng, Quy hoạch tỉnh, v.v..

Toàn cảnh phiên họp

Hai là, xem xét thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ba là, cho ý kiến khoản 3 Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội về những giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong phòng, chống dịch và những ý kiến nghị của Chính phủ liên quan một số vấn đề về y tế.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu chuẩn bị kịp sẽ đưa vào nội dung kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Năm là một số nội dung có liên quan đến vấn đề về tài chính, ngân sách.

Lưu ý từ nay đến khi dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội thời gian không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ đôn đốc, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, làm ngày, làm đêm cho công tác tổ chức.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh như dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nếu không tiếp tục rà soát, hoàn thiện ngay từ lúc này sẽ không kịp hay như Quy hoạch tổng thể quốc gia còn phải trình để thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức…Do đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải chủ động để đôn đốc Chính phủ, không ngồi chờ Chính phủ trình sang.

Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội sau phiên họp cần có văn bản thống báo với Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến các nội dung trình, tiến độ chuẩn bị các hồ sơ tài liệu bảo đảm đúng thời gian quy định, khả năng chuẩn bị hồ sơ tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bởi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ít nhất phải có 7 ngày để ra quyết định triệu tập họp theo quy định, ngoài ra còn cấn báo cáo cấp có thẩm quyền...với nhiều thủ tục chặt chẽ. Do đó, phải xác định từng mốc thời gian theo yêu cầu, không để chậm.

Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ, việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội mới là khả năng, còn có tổ chức được hay không còn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản cụ thể để đôn đốc. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nội dung phụ trách phải chủ động, phải đôn đốc liên tục để trình đủ, đúng thời gian, bố trí thời gian để thẩm tra sơ bộ, thẩm tra đầy đủ theo đúng quy định.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất cao về ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng, bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự hai bên (gọi tắt là thỏa thuận Coca). Do nội dung này có liên quan đến một số vấn đề về điều ước quốc tế, Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Đối ngoại phối hợp làm thủ tục sớm để hoàn tất các văn bản bên liên quan vấn đề này.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đôi với nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thì Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành; đối với những nội dung ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần làm sớm, giải quyết dứt điểm để Chính phủ có cơ sở tổ chức thực hiện.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về chủ trương việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với cơ quan chủ trì là Bộ Tài chính để hoàn tất hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định việc này.

Thứ năm, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nêu rõ, đối với từng nội dung đã có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan ban hành các dự thảo, các kết luận, các nghị quyết và đề nghị các cơ quan khẩn trương tổ chức thực hiện những kết luận rất quan trọng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức