PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TẠI PHIÊN KHAI MẠC HỘI NGHỊ APF

28/11/2022

Chiều ngày 28/11, tại Thành phố Đà Nẵng, Hội nghị lần thứ X Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã chính thức khai mạc. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn:

HỘI NGHỊ LẦN THỨ 10 VÙNG CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG TRONG LIÊN MINH NGHỊ VIỆN PHÁP NGỮ (APF)

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Thưa các vị Trưởng đoàn,

Thưa các vị nghị sĩ các Phân ban thành viên khu vực châu Á - Thái Bình dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, các vị Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam,

Thưa các vị khách quý,

Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị nghị sĩ đến từ các Phân ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), các vị đại diện các tổ chức quốc tế trong khu vực: Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Tổ chức Đại học Pháp ngữ, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ dân số phát triển Liên hợp quốc... và các vị khách quý tới tham dự Phiên Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 27 đến ngày 30/11/2022 tại Đà Nẵng.

Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF, kể từ Hội nghị thành lập tại Huế năm 2006 với sự tham gia của 4 phân ban: Campuchia, Lào, Vanuatu, Việt Nam đã có sự mở rộng rất ấn tượng kể từ năm 2019 với sự tham gia của các Phân ban: Nu-ven Ca-lê-đô-ni (Nouvelle-Calédonie), Pô-ly-nê-di thuộc Pháp (Polynésie francaise) và Gua-lít Phu-tu-na (Wallis-Futuna). Vượt qua trở ngại về mặt địa lý, sự có mặt tham dự đầy đủ của các vị nghị sĩ, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Pô-ly-nê-si và Chủ tịch Hội đồng Nu-ven Ca-lê-đô-ni khẳng định sự tham gia mạnh mẽ của Vùng đối với các hoạt động đa phương, vào các cơ chế của APF; đồng thời, tăng cường để hoạt động của Vùng là cơ hội trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy hợp tác, có những đóng góp tích cực đối với với APF và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Toàn cảnh Hội nghị

Thưa các quý vị đại biểu,

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 35 năm Đổi mới. Năm 2022, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực.  Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Chúng tôi đã kiểm soát tốt dịch, mở cửa nền kinh tế từ 1/3/2022 (là một trong sáu nước có tỉ lệ bao phủ vắc- xin cao nhất trên thế giới). Trong 9 tháng 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,83%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tăng 2,72%. Vốn FDI thực hiện đạt 15,5 tỷ USD, tăng hơn 16%. Kim ngạch xuất nhập khẩu 560 tỷ USD, tăng hơn 15%, xuất siêu gần 7 tỷ USD.

Về đối ngoại, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO v.v...,Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Thưa quý vị đại biểu,

Quốc hội Việt Nam, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là người đại diện cao nhất của Nhân dân, chúng tôi đã và đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực trên tinh thần dân chủ và pháp quyền. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết và gắn bó mật thiết với Nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF với các mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, duy trì và phát triển sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, APF đã tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động quốc tế, khởi xướng và triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác liên nghị viện, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Thưa quý vị đại biểu,

Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua những biến động khó lường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế, các cuộc xung đột kéo theo những hệ lụy chưa từng có về kinh tế, xã hội… đã ảnh hưởng trực tiếp đến từng quốc gia, chính vì vậy, sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế là vô cùng cần thiết để vượt qua những khó khăn, trở ngại. Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Đờ-déc-ba, Tuy-ni-di (Djerba, Tunisie) với  những định hướng chiến lược mới, mở ra triển vọng kết nối trong đa dạng, ứng dụng công nghệ số, tăng cường sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp, nâng cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, hướng tới phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ vì một tương lai tốt đẹp hơn. Cùng với đó, Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) vừa bế mạc đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng, theo đó nhất trí thành lập Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Như vậy, tôi hoan nghênh Hội nghị của chúng ta hôm nay sẽ trao đổi thảo luận về tổ chức, hoạt động của Vùng nhằm tăng cường vai trò của khối Pháp ngữ tại khu vực; đồng thời, thảo luận bàn tròn về nội dung: (1) Tính cấp thiết của hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; (2) Vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những chủ đề rất thời sự và vô cùng cần thiết đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh khu vực chịu tác động nặng nề đại dịch Covid-19 cùng tình hình biến đổi khí hậu hết sức phức tạp tại Campuchia, Lào, Việt Nam cũng như các quần đảo Nam Thái Bình Dương. Tôi đề nghị các vị nghị sĩ có mặt tại đây hôm nay sẽ có những trao đổi cởi mở, đối thoại và tham vấn, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đa chiều mà các nước Pháp ngữ đang phải đối mặt.  

Đồng thời, cũng trong nỗ lực đổi mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ, tiếp nối thành công của chuyến thăm của bà Tổng Thư ký Pháp ngữ cùng Đoàn xúc tiến thương mại đầu tiên của Pháp ngữ với hơn 100 doanh nghiệp Pháp ngữ tháng 3/2022 tại Việt Nam và Campuchia, chúng tôi tổ chức hoạt động thăm thực địa của Hội nghị tại Tập đoàn Viễn thông - Quân đội Viettel. Đây là Tập đoàn đã có các dự án hợp tác rất thiết thực tại nhiều quốc gia như Campuchia, Lào, Burundi, Cameroun, Haiti, Tanzanie.... Thông qua hoạt động này, đề nghị các nghị sĩ Pháp ngữ sẽ tăng cường vai trò cầu nối đóng góp vào việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa các thành phần kinh tế trong không gian Pháp ngữ, góp phần hiện thức hóa ý tưởng về một Pháp ngữ kinh tế sâu rộng - ý tưởng khởi nguồn từ chủ đề của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Việt Nam năm 1997 về “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội”.

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Với sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam và sự tham gia đông đảo của quý vị đại biểu có mặt tại đây hôm nay, tôi tin tưởng Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương sẽ thành công tốt đẹp.

Chúc các vị nghị sĩ thành công trên cương vị cao quý của mình!

Chúc toàn thể quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc!

Các bài viết khác