PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ DỰ VÀ CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 16 CỦA UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

06/11/2019

Chiều ngày 05/11, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 16 nhằm thẩm tra dự thảo Nghị định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và chỉ đạo phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học…là vũ khí có khả năng gây cho đối phương tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái và gây tác động mạnh đến tâm lý, tinh thần của con người. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế về cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang triển khai chưa phải là phòng, chống phổ biến và chống tài trợ cho phổ biến cũng như các hành vi bất hợp pháp khác về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặt khác quá trình xây dựng Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng không điều chỉnh về các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Xuất phát từ những vấn đề trên, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở tầm Nghị định.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại phiên họp 

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghi định nhằm nội luật hóa nội dung của Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và một số hiệp ước, công ước khác liên quan, trong đó có khuyến nghị số 7 của lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa kịp thời; đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và uy tín trong thực thi luật pháp quốc tế. Do thời gian ban hành Nghị định trước ngày 15/11/2019 nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá đa phương của Tổ chức châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban đồng ý với Chính phủ về việc ban hành Nghị định nhằm sớm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng các quy định của Nghị định là cần thiết để thực hiện kịp thời, chủ động, có hiệu quả trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đáp ứng yêu cầu thực hiện trách nhiệm quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để bảo đảm quy định chặt chẽ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và với các điều ước quốc tế liên quan, tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc và các hành vi vi phạm, lợi dụng xâm phạm lợi ích cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chủ nhiệm Uỷ ban Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp 

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định, Ủy ban đồng ý với nội dung dự thảo Nghị định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, chủ trương và nguyên tắc là đảm bảo 3 yếu tố: Thứ nhất là đáp ứng công cuộc đối ngoại của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thứ hai là không xung đột với các luật khác trong nước. Thứ ba là đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình quan điểm của Uỷ ban và cho rằng việc ban hành Nghị định là giải pháp phù hợp nhằm nội luật hóa quy định, đáp ứng các quy định điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khi xây dựng Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đề cập đến nội dung này nhưng chưa kịp triển khai. Trước mắt cần thiết ban hành Nghị định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, còn lâu dài cần sửa Luật. Vì thời gian gấp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo hoàn thiện các báo cáo, dự thảo xin ý kiến bằng văn bản các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội rồi gửi Chính phủ theo quy định.

Khắc Phục

Các bài viết khác