Toàn cảnh buổi làm việc
Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo một số Ủy ban, cơ quan của Quốc hội.
Là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Nam có sô lượng trẻ em khá cao với trên 60.000 trẻ, chiếm hơn 25% dân số. Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015-2019 cho thấy, trên toàn huyện xảy ra 11 vụ xâm hại trong đó chủ yếu là bạo lực và xâm hại tình dục đối với trẻ em. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thường có quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân hoặc thân quen với chính nạn nhân thông qua mạng xã hội, lợi dụng lòng tin và nhận thức chưa đầy đủ của trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại. Là một huyện miền núi nên các vụ việc về xâm hại trẻ em thường xảy ra tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi kiến thức, kỹ năng của trẻ em và gia đình trẻ em còn hạn chế.
Các thành viên đoàn giám sát cho rằng, so với nhiều địa phương khác trên cả nước, số vụ việc về xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Lục Nam không phải là cao. Tuy nhiên trong đa số các vụ việc phát hiện và xử lý đều cho thấy nhận thức pháp luật của cả đối tượng xâm hại và trẻ bị xâm hại đều rất hạn chế. Từ đó, các thành viên đoàn giám sát đặt vấn đề về công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tại địa bàn, đặc biệt là vùng nôn thôn, miền núi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Nhấn mạnh về công tác phối hợp tuyên truyền, một số ý kiến cho rằng việc này cần được làm thường xuyên và liên tục chứ không phải khi có chiến dịch hay các hội thi mới được đẩy mạnh. Thực tế trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em cho thấy, việc tuyên truyền thường xuyên và đúng đối đượng sẽ quyết định rất lớn tới hiệu quả của công tác này.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tội phạm xâm hại trẻ em là loại tội phạm ẩn, những số liệu thống kê báo cáo mới chỉ phản ánh được 1 phần của thực trạng. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị địa phương cần rà soát kỹ, chính quyền địa phương cần bám sát cơ sở đề cao công tác./.