PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU LÀM VIỆC VỚI UBND TP.HÀ NỘI VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

27/08/2019

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2019, ngày 27/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát, đã có cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc

 

Tham gia buổi làm việc còn có Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn giám sát, và lãnh đạo một số Uỷ ban, cơ quan của Quốc hội.

Thành phố Hà Nội được đánh giá là một trong những địa bàn có số lượng xâm hại trẻ em cao, bởi đặc thù diện tích rộng lớn, dân số đông và là nơi tập trung nhiều cụm, khu công nghiệp kéo theo lượng lớn lao động từ các địa phương khác. Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, đến giữa năm 2019 toàn thành phố có gần 1,9 triệu trẻ em chiếm gần 25% dân số. Tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội được đánh giá có tính chất, mức độ nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, chỉ tính riêng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn Thành phố có 322 trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức như bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán… đặc biệt có tới 235 trẻ em bị bỏ rơi. Đây cũng là một thực trạng đáng báo động tại nhiều địa phương khi cha mẹ, người thân làm ăn xa không chăm sóc, nuôi dưỡng con cái ảnh hưởng lớn tới thể chất và tình thần của trẻ.

Báo cáo cũng chỉ ra phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em không mới, đa số trẻ bị hại bởi những người thân quen, điều đó cho thấy khoảng trống nhất định trong công tác quản lý nhà nước đặc biệt ngay từ cơ sở và sự quan tâm, nhận thức của gia đình trẻ bị xâm hại chưa thực sự cao.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo, số liệu về công tác phòng chống xâm hại trẻ em của thành phố Hà Nội, điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác này. Tuy nhiên, một số đại biểu quan tâm tới tình hình xâm hại trẻ em có dấu hiệu gia tăng mạnh thời gian gần đây trên địa bàn thành phố và đề nghị làm rõ nguyên nhân tình trạng này. Với một số vụ việc có áp dụng hình thức giảm nhẹ như tuổi cao, đối tượng thương binh... các đại biểu đặt câu hỏi việc này đã hợp lý và đầy đủ căn cứ?

Dẫn chứng về sự gia tăng đột biến các vụ việc xâm hại trẻ em tại huyện Chương Mỹ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng đây có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên của thành phố là rất quan trọng. Một số ý kiến khác cho rằng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Hà Nội là khá tốt nhưng việc này cần được thể hiện cụ thể trong báo cáo, nhất là việc giải quyết, trả lời lần đầu đối với 17 đơn thư liên quan đến xâm hại trẻ em.

Cho rằng quỹ đất hiện nay cho xây dựng các điểm vui chơi, thiết chế văn hóa lành mạnh cho trẻ em tại các địa phương, đặc biệt là khu vực nội thành, khu vực tập trung các khu công nghiệp, còn rất hạn chế. Việc này đã khiến không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa của trẻ em bị hạn hẹp, thậm chí không có… cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến sự gia tăng đột biến của các vụ việc liên quan tới xâm hại trẻ em thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quan tâm tới vấn đề tiêu chí xây dựng xã, phường thân thiện, đạt chuẩn trong đó có yếu tố góp phần phòng chống xâm hại đối với trẻ em, một số đại biểu đề nghị làm rõ việc này đã được thực hiện như thế nào? Và có thực sự phát huy được hiệu quả trên thực tế?

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho rằng việc dành quỹ đất khi xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp để làm thiết chế văn hóa, điểm vui chơi cho trẻ em đã có nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Tới đây thành phố sẽ tích cực kêu gọi xã hội hóa trong vấn đề này.

Ngoài ra, các ý kiến khác cho rằng 3 trụ cột trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em là phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ, một số đại biểu cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng ngừa thông qua trang bị kiến thức cần thiết để trẻ em có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi xâm hại.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát, cho rằng những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát chỉ ra và kiến nghị là hoàn toàn xác đáng, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Thống nhất quan điểm với nhiều đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng phòng ngừa sẽ là giải pháp lâu dài trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ thực tế các vụ xâm hại trẻ em thời gian qua phần lớn xuất phát từ những người thân, quen của trẻ em. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò của cán bộ ngay từ cấp cơ sở, nắm chắc địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại trẻ em./.

Phạm Hải - Nguyễn Tùng