CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN HỘI KIẾN CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MAROC

26/08/2019

Bên lề Đại hội đồng thứ 40 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA 40), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Maroc, ngài Habib Malki.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng gặp lại ngài Habib Malki, Chủ tịch Hạ viện Maroc.

  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng gặp lại ngài Habib Malki, Chủ tịch Hạ viện Maroc. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Hạ viện Maroc cử đoàn cấp cao tham dự AIPA-40, cảm ơn Ngài Chủ tịch và Hạ viện Maroc quan tâm thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Việt Nam và các cơ chế hợp tác nghị viện tại ASEAN, Châu Á-Thái Bình Dương thông qua cử các đoàn cấp cao tham dự các hội nghị tổ chức tại Việt Nam và các nước ASEAN.

Toàn cảnh buổi hội kiến

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát trển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc, đề nghị hai Bên tăng cường tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, cấp Bộ ngành và giao lưu nhân dân nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời tăng cường tình đoàn kết và sự hiểu biết giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Việt Nam mong được đón Quốc vương Maroc thăm Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch thăm Maroc trong thời gian tới. Với tư cách là Chủ tịch AIPA 41 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng mời Chủ tịch Hạ viện Maroc sang dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân đánh giá cao sự phối hợp, ủng hộ của Maroc dành cho Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương như ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội, công nhận kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi hội kiến

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Maroc tại các diễn đàn quốc tế. Với tư cách là thành viên Liên minh châu Phi (AU), hy vọng Maroc sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và AU, giúp tiến hành thiết lập quan hệ chính thức Việt Nam-AU trong thời gian tới. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối trong quan hệ giữa Maroc với các nước ASEAN, nhất là khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đề nghị hai Bên tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết. Bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước vẫn còn khiêm tốn, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Đề nghị hai Bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban Hỗn hợp và các cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác địa phương, triển khai hiệu quả Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa Đà Nẵng – Tanger, thúc đẩy quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh – Casablanca, Nha Trang – Agadir.

Chủ tịch Hạ viện Maroc, ngài Habib Malki, phát biểu tại buổi hội kiến

Ngài Habib Malki, Chủ tịch Hạ viện Maroc chúc mừng Việt Nam với vai trò là Chủ tịch AIPA 41 và khẳng định sẽ sang Việt Nam tham dự AIPA 41; Mong muốn với vai trò và vị thế ngày càng cao tại các diễn đàn khu vực và thế giới, Quốc hội Việt Nam sẽ hỗ trợ Maroc với vai trò là nước quan sát viên của AIPA.

Chủ tịch Hạ viện Maroc mong muốn hợp tác nghị viện hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.. Để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp trong thời gian tới, hai Bên cần tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.

Về diễn biến tình hình Biển Đông, Chủ tịch Hạ viện Maroc bày tỏ quan điểm tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông; ủng hộ quan điểm nhất quán của Việt Nam và Asean là giải quyết các tranh chấp chủ quyền cũng như lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)./.

Hải Yến - Quang Sỹ