Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Nghị quyết số 19/2016/QH14 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và Nghị quyết 259/NQ-UBTVQH14 về danh sách Ủy viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”; nghe và thảo luận về dự thảo Kế hoạch chi tiết thực hiện chuyên đề giám sát, dự thảo đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo đề cương báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và kế hoạch chi tiết thực hiện hoạt động giám sát của Đoàn.
Dự kiến kế hoạch giám sát, bắt đầu triển khai chương trình giám sát từ tháng 9/2016, Đoàn giám sát sẽ yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan gửi báo cáo; Nghe Chính phủ và các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tổ chức giám sát và gửi báo cáo đến Đoàn giám sát; Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương và địa phương; Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình để thu thập thông tin, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát.
Theo đó, các bộ ngành, địa phương và các Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 làm rõ các nội dung về việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và kết quả thực hiện quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, trong xuất nhập khẩu thực phẩm, trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, đối với thực phẩm biến đổi gen, tình hình ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, việc khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, việc kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và các công tác khác.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo kế hoạch chi tiết hoạt động của Đoàn giám sát cũng như các dự thảo đề cương báo cáo giám sát. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần phải báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm của Chính phủ; Cần có thêm báo cáo của Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân về việc truy tố xét xử các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhấn mạnh báo cáo của bộ ngành nên tập trung làm rõ kết quả thực hiện việc ban hành chính sách và thanh tra, kiểm tra theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý của các bộ qua đó thấy được hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý chuyên môn của các bộ ngành; báo cáo của địa phương cần làm rõ về tổ chức triển khai thực thi. Đề xuất kế hoạch làm việc cần chi tiết hơn các nội dung làm việc tại địa phương với ai về nội dung gì, bổ sung các thành phần tham dự là Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh việc tổ chức triển khai chương trình hoạt động giám sát phải bám sát mục tiêu yêu cầu đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, tuân thủ các quy định của Luật hoạt động giám sát. Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết trên cơ sở giám sát việc ban hành các chính sách, các quy phạm pháp luật và việc tổ chức triển khai thi hành an toàn thực phẩm, kết quả giám sát sẽ đánh giá những vướng mắc trong thực thi luật, hạn chế trong các quy định của pháp luật từ đó có phương hướng giải quyết để luật đi vào cuộc sống. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát, kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm các yêu cầu về nội dung chi tiết, phù hợp với từng lĩnh vực quản lý của bộ, ngành và địa phương.