TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN

27/09/2021

Công tác dân nguyện không chỉ là hoạt động thường xuyên của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH nhằm nắm bắt, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri mà thông qua công tác này Quốc hội sẽ tiến hành giám sát, hoàn thiện pháp luật, để các chính sách đi vào cuộc sống.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, chính vì vậy việc quan tâm đến những vấn đề nổi lên trong đời sống, kinh tế xã hội; đôn đốc sớm giải quyết sớm những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân sẽ giúp Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cũng như củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội với nhân dân.

Lần đầu tiên UBTVQH nghe, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện (hàng tháng)

Mới đây, tại phiên họp thứ 2 của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác dân nguyện được xác định là một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu tham dự quan tâm thảo luận. Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện (hằng tháng), theo yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hành, làm tốt vai trò cơ quan dân cử.

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện bám sát chức năng, nhiệm vụ để thiết lập báo cáo tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội hằng tháng; làm tốt việc tiếp nhận, rà soát, sàng lọc, đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tiến hành kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Bắt đầu từ phiên họp tháng 9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình, kết quả rà soát đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động và tăng cường tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phụ trách theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện, gửi Ban Dân nguyện để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã có những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, pháp luật cũng quy định về việc tiếp công dân. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần triển khai cho thực chất. Giám sát của Quốc hội, Uỷ ban của Quốc hội phải gắn với giải trình, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát khiếu nại tố cáo không phải chờ “ xuân thu nhị kỳ” Chính phủ gửi báo cáo sang rồi xem xét mà còn phải đốc thúc Chính phủ, các cơ quan khác giám sát cả việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Do đó, Ban Dân nguyện phải giúp cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giữ mỗi quan hệ với Chính phủ, với các cơ quan của Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ dân nguyện, hàng tháng báo cáo vụ việc nổi cộm để truy trách nhiệm đến cùng trung ương, địa phương. Có như vậy, mới thực sự tạo chuyển biến, tạo được niềm tin của nhân dân, cử tri đối với Quốc hội.

Đề xuất luật hóa công tác dân nguyện

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Để thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân, các hoạt động của Quốc hội đều vì nhân dân, Quốc hội cần phải có cơ chế để có thể lắng nghe, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt những phản hồi từ nhân dân phục vụ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật, bảo đảm các chính sách, pháp luật và các quyết sách đều có nguồn gốc, cội rễ từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng chính là cơ chế để Quốc hội thông qua đó làm tốt chức năng giám sát tối cao, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, tác dụng, thực sự là công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Qua 179 cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH trước và sau kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV, Ban Dân nguyện cho biết đã tổng hợp được 759 kiến nghị của cử tri và chuyển đến các cơ quan có thểm quyền để giải quyết. Đến nay, kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị đạt khoảng 87%, còn 98 kiến nghị đã quá thời hạn nhưng chưa có văn bản trả lời. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ tổng hợp chuyển kiến nghị và giám sát việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát của Quốc hội.

Hội nghị tiếp xúc cử tri

Bên cạnh những thành quả đạt được thì từ thực tế cho thấy, mặc dù đã có những quy định về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thế nhưng việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn sai sót nhưng vẫn không có chế tài để xử lý.

Theo cử tri Lưu Huy Vinh, phường Láng Hạ, Đống Đa, Tp. Hà Nội, công tác tiếp nhận kiến nghị của cử tri rất kịp thời, thường xuyên. Tuy nhiên, về hiệu quả giải quyết kiến nghị của các cơ quan liên quan còn chậm, một số kiến nghị của dân chưa được trả lời thỏa đáng.

Trước đó, một số vụ việc mặc dù đã có nhiều ý kiến chỉ đạo xem xét, giải quyết triệt để tuy nhiên một  số cơ quan liên quan trực tiếp đến các vụ việc vẫn chậm xử lý, thậm chí không xử lý. Đây là một trong những tồn tại, hạn chế đã kéo dài, chưa được khắc phục.

Nhiều ý kiến cho rằng, bện cạnh việc các cơ quan có liên quan chưa thực sự trú trọng đến công tác dân nguyện thì cơ quan tiếp nhận lại chưa có đầu mối tiếp nhận xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Muốn công tác dân nguyện đạt kết quả cao, đáp ứng kỳ vọng của cử tri thì công tác dân nguyện của Quốc hội cần được luật hoá, đảm bảo sự tiếp nối, không bị cắt khúc với công tác dân vận của Đảng.

“Phải có sự xác định rõ ràng về mặt chủ trương về mặt đường lối qua đó để chúng ta thể chế thành các quy định của pháp luật trong một đạo luật, nếu được thì đây chính là đạo luật về dân nguyện của Quốc hội. Tất cả các đạo luật đều phải lấy chủ trương đường lối của đảng để thể chế hóa. Nếu chúng ta có được chủ chương về công tác dân vận, triển khai công tác dân vận vào trong các thể chế nhà nước, trong đó quan trọng nhất là thế chế Quốc hội và HĐND các cấp thì lúc đó chắc chắn chúng ta sẽ có được kết quả tốt….” Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Để làm tốt công tác dân nguyện, đòi hỏi Quốc hội cần có một cơ quan chuyên môn có đủ năng lực và địa vị pháp lý để giúp Quốc hội thực hiện công tác dân nguyện. Việc luật hóa công tác dân nguyện cũng như xây dựng một thiết chế với cơ chế hoạt động thích hợp của cơ quan dân nguyện của Quốc hội Việt Nam trong điều kiện phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân hiện nay là phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển chung, đồng thời đó cũng nhằm góp phần tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân.

 “Quan điểm của chúng tôi cho rằng cần phải có luật để quy định về các vấn đề liên quan tới hoạt động dân nguyện của Quốc hội. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội và trách nhiệm của Quốc hội đối với nhân dân, đối với cử tri, cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đối với nhân dân, đối với cử tri trong việc giải quyết những thỉnh nguyện của người dân ..”,  Ông Hoàng Anh Công– Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương 

Về đề xuất luật hóa công tác dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, ý tưởng luật dân nguyện hoặc công tác dân nguyện, trong đó đưa ra 8 nội dung cho định hướng để nghiên cứu luật này, có nhiều cơ sở lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, làm rõ các luận cứ về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn;… đảm bảo tính khả thi.  

Với ý nghĩa là cầu nối trực tiếp và quan trọng giữa nhân dân với Quốc hội, hoạt động Dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ và kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Việc luật hóa công tác dân nguyện cũng như xây dựng một thiết chế với cơ chế hoạt động thích hợp của cơ quan dân nguyện của Quốc hội sẽ phát huy dân chủ của nhân dân, đảm bảo hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này./.

Lê Anh

Các bài viết khác