ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG - TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI GỬI TỚI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XIV

25/04/2019

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - Trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV

1. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Đề nghị Quốc hội xem xét khi thông qua Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cần quan tâm luật hóa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thi cử, tạo công bằng trong thi cử và lấy lại niềm tin của nhân dân dân về lĩnh vực giáo dục. Bởi, vừa qua, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã phát hiện một số địa phương để xảy ra gian lận trong thi cử, điều đáng nói là người gian lận thi cử này lại chính là những người thực thi công vụ, thực hiện kiểm tra, giám sát, kể cả chấm thi chứ không phải là thí sinh.

Trả lời: (Tại Công văn số 1841/UBVHGDTTN14 ngày 21/2/2019)

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) là kỳ thi quan trọng với 2 mục tiêu đồng thời là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Trong thời gian gần đây, Kỳ thi THPTQG luôn được sự quan tâm của đông đảo cử tri và quần chúng nhân dân.

Từ thực tiễn 3 năm triển khai tổ chức Kỳ thi THPTQG cho thấy, Kỳ thi đã có những thành công nhất định, Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về giáo dục và đào tạo đã tích cực trong việc tổ chức triển khai thực hiện và luôn đổi mới Kỳ thi qua các năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được ghi nhận, Kỳ thi vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đặc biệt, việc gian lận trong Kỳ thi THPTQG năm 2018 tại một số địa phương liên quan tới công tác tổ chức coi thi, chấm thi cho thấy tình trạng chỉ đạo thiếu sát sao của lãnh đạo Hội đồng thi; một bộ phận cán bộ thanh tra chưa làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giám sát các quy trình, các công đoạn trong khâu chấm thi dẫn đến tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng với quy mô lớn ở một số địa phương. Tình trạng sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh nhà giáo, làm giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Như vậy, Kỳ thi THPTQG đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện về quy trình, cách thức tổ chức thực hiện cũng như cần có chế tài nghiêm minh để xử lý vi phạm. Tiếp thu ý kiến cử tri, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các bên liên quan để nghiên cứu, có những quy định cụ thể về nội dung này để tăng hiệu quả quản lý giáo dục nói chung, Kỳ thi nói riêng.

2. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Nhiều vấn đề trong lĩnh vực giáo dục nổi lên trong thời gian gần đây tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân. Cử tri kiến nghị tăng cường giám sát tối cao để có đánh giá sâu hơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực giáo dục trong thời gian qua, để có những kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan có các giải pháp căn cơ giải quyết những tồn tại, hạn chế liên quan đến tình trạng thừa thiếu giáo viên; vấn đề sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới; tiêu cực trong thi cử. Khi xem xét, thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi), đề nghị Quốc hội cân nhắc việc cải cách giáo dục, sách giáo khoa đảm bảo thật khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, tránh việc cải cách nhiều nhưng không hiệu quả lại trở về như cũ.

Trả lời: (Tại Công văn số 1841/UBVHGDTTN14 ngày 21/2/2019)

Tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tiêu cực trong thi cử… là những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp giáo dục của nước ta hiện nay. Quốc hội luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ lộ trình đổi mới, cải cách để giáo dục phát triển ổn định, bền vững, đúng hướng.

Đối với vấn đề đội ngũ nhà giáo, năm 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Qua giám sát, Ủy ban đã nghiên cứu, phát hiện ra những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân trong việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục CBQLGD; từ đó có nhiều kiến nghị cụ thể gửi tới Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, các địa phương. Trong thời gian tới, khi xem xét sửa Luật Giáo dục Ủy ban VHGDTNTN&NĐ sẽ cùng Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ ý kiến này của cử tri.

Đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hiện Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 và Chính phủ đang tích cực triển khai.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục đang được Quốc hội xem xét, trình thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XIV.

3. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: cử tri Phú Thọ cho rằng, việc lùi chưa thông qua một số dự án luật thời gian qua phần nào cho thấy sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan, tổ chức hữu quan còn chưa chặt chẽ, đầy đủ, chưa tiên lượng được hết các tình huống phát sinh và thiếu tính thực tế. Cụ thể như Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trong khi thẩm tra còn có ý kiến khác nhau nhưng chưa được xem xét, giải trình, phân tích, phản biện kỹ lưỡng, dẫn đến tình trang luật chuẩn bị thông qua nhưng nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri còn băn khoăn, có ý kiến khác nhau khiến Quốc hội phải lùi thời hạn thông qua. Do đó, cử tri đề nghị trong thời gian tới Quốc hội cần rà soát, cân nhắc nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm tra dự án Luật, tăng cường công khai minh bạch, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng luật để bảo đảm Luật ra đời rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi trong thực tế.

Trả lời: (Tại Công văn số 1942/UBVHGDTTN14 ngày 1/4/2019)

Quy trình soạn thảo và ban hành Luật được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình xây dựng Luật, pháp lệnh, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Luật. Việc soạn thảo, thẩm tra Luật giáo dục (sửa đổi) cũng nằm trong quy trình chặt chẽ ấy. Tuy nhiên, Luật Giáo dục (sửa đổi) là một luật lớn, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, đối tượng tác động đến toàn dân, do đó, việc xây dựng và thông qua Luật cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc tối đa để bảo đảm chất lượng, có tính khả thi cao. Việc lùi thời gian thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)  là để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp quý báu của người dân, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia và các nhà khoa học.

Thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26 (tháng 8/2018) đã được Chính phủ triển khai thực hiện một cách nghiêm túc dưới nhiều hình thức đa dạng, ở nhiều cấp độ khác nhau tới đầy đủ các nhóm đối tượng chịu sự tác động của Luật. Với sự đồng thuận cao của Nhân dân về dự thảo Luật, sự công khai, minh bạch trong suốt quá trình lấy ý kiến và quan điểm tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân của Chính phủ, Dự thảo Luật sẽ bảo đảm chất lượng, đi vào cuộc sống và là hành lang pháp lý vững chắc để giáo dục Việt Nam phát triển trong bối cảnh mới của đất nước.

4. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: cử tri đồng tình, thống nhất cao với việc Quốc hội chưa thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức rộng rãi và hiệu quả việc lấy ý kiến tham gia góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân.

Trả lời: (Tại Công văn số 1942/UBVHGDTTN14 ngày 1/4/2019)

Sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và của đông đảo các tầng lớp nhân dân, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, có hiệu quả ý kiến Nhân dân mà đối tượng là các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân với nhiều hình thức như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức các hội thảo, tọa đàm; lấy ý kiến bằng văn bản; phỏng vấn chuyên sâu…

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn dân, với nhiều ý kiến rất tâm huyết và có chất lượng chuyên môn cao. Đa số ý kiến nhân dân đồng thuận với dự thảo Luật và cho rằng dự thảo được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối tại các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến giáo dục và đào tạo, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời bảo đảm quy định của Luật đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động giáo dục.

Tiếp thu ý kiến Nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan các ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 (tháng 2/2019); Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban TVQH tại Phiên họp 32 (tháng 3/2019), trình xin ý kiến Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách (tháng 4/2019), gửi xin ý kiến góp ý của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2019).

Vụ Dân nguyện

File đính kèm