1. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi.
Trả lời: (Tại Công văn số 1739/UBCVDXH14 ngày 13/12/2018)
Luật Người cao tuổi được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Năm 2015, Ủy ban đã tiến hành tổ chức giám sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi[1]. Qua đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật người cao tuổi và có kiến nghị phù hợp đối với các cơ quan có liên quan. Báo cáo kết quả giám sát đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII[2]. Theo kế hoạch năm 2019, Ủy ban sẽ tổ chức phiên họp giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế, trong đó có người cao tuổi. Tại phiên họp, các bộ, ngành có liên quan sẽ giải trình, làm rõ các vấn đề được dư luận xã hội, cử tri quan tâm.
2. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng “chạy hồ sơ, chế độ chính sách người có công”, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đối tượng chính sách, người có công trên toàn quốc, đảm bảo đúng đối tượng và chế độ.
Trả lời: (Tại Công văn số 1835/UBCVDXH14 ngày 20/02/2019)
Hằng năm, Ủy ban luôn quan tâm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng[3]. Qua hoạt động giám sát, Ủy ban nhận thấy các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý các vi phạm, trong đó có tình trạng chạy hồ sơ, chế độ chính sách người có công như phản ánh của cử tri.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tại Phiên họp thứ 9, trong đó có nội dung về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để đưa vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội xin trân trọng ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để quy định phù hợp vào trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trong thời gian tới để đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng và chế độ.
[1] Ủy ban đã giám sát trực tiếp tại 13 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La, Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Đăk Lăk, Kon Tum, Tây Ninh và Bình Phước, Hà Nội, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh và làm việc với các bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo.
[2] Báo cáo số 4314/BC-UBVĐXH13 ngày 12/10/2015 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội về kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi.
[3] Năm 2012, Ủy ban đã chủ trì phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Kết quả giám sát là cơ sở để ban hành Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 và sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13) và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” (Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13). Năm 2014, Ủy ban đã thành lập Đoàn giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 và bước đầu thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong 2 năm 2014 – 2015.