TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ CỬ TRI VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT TẠI KỲ 6, QUỐC HỘI KHÓA XIV

13/11/2018

Tin tưởng và kì vọng là suy nghĩ của nhiều cử tri tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Bởi kỳ họp này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa kết thúc với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, rất nhiều cử tri đã gửi các kiến nghị góp ý về các dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp này.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Quốc hội tiếp tục cho ý kiến sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Do tính chất quan trọng của các luật, dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Cử tri trên cả nước cũng đã gửi các kiến nghị đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV góp ý cho một số dư án luật như: Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đơn cử như dự thảo luật quản lý Thuế ( Sửa đổi ), cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cần định nghĩa rõ hơn về “dữ liệu thương mại” để đảm bảo tính khách quan, minh bạch của quy định, đồng thời dễ áp dụng trong việc ấn định thuế. Đối với Luật phòng, chống tham nhũng ( Sửa đổi ), Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng, quy định chặt chẽ nội dung kê khai tài sản, kiểm soát tài sản, xử lý tài sản không giải trình một cách hợp lý vì đây là các nội dung khó kiểm soát, cần phải lưu ý để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; sử dụng từ ngữ thông dụng, dễ hiểu, dễ thực hiện đồng thời giải thích cụ thể cụm từ “Tài sản bất minh”…

Hay về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cử tri gửi đến với nhiều ý kiến xác đáng, dựa trên thực tế và quy định của pháp luật để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật. Cụ thể: Về giải thích từ ngữ (Điều 3): Tại Khoản 2 của dự thảo Luật chưa làm rõ được người có chức vụ, quyền hạn đối với khu vực ngoài nhà nước, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng có chức vụ, quyền hạn đối với khu vực ngoài nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ đối với các hành vi: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lạm quyền; giả mạo; công khai; minh bạch.

Về trách nhiệm phối hợp của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan (Điều 6): Tại Khoản 1, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điểm quy định về việc Cc quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải lập, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật này. 

Về nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác (Điều 25), đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định khung thời hạn chuyển đổi vị trí công tác cho từng lĩnh vực. Nếu thời gian giữ một vị trí công tác ngắn, sẽ không thể đạt được độ chuyên sâu trong công tác, khó nắm bắt đối tượng, diễn biến quá trình hoạt động kinh doanh, cũng như thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế... Về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37), tại Điểm a Khoản 3, đề nghị bổ sung đối tượng Phó Giám đốc và tương đương trở lên cũng phải thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Sau khi sửa, Điểm a Khoản 3 viết lại như sau: “Kê khai hàng năm được thực hiện đối với người có chức vụ từ Phó Giám đốc sở và tương đương trở lên”...

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội