Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời trong điều hành nền kinh tế đất nước ổn định và phát triển, đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Một số mặt hàng thiết yếu giảm giá, nhưng giá vật tư nông nghiệp, thuốc chữa bệnh trong thời gian vừa qua vẫn có chiều hướng tăng cao, làm cho các tầng lớp nhân dân gặp khó khăn trong sản xuất và đời sống, nhất là người có thu nhập thấp và nông dân. Đề nghị Chính phủ có giải pháp tích cực hơn, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân.

Gửi bởi: Cử tri tỉnh Bình Định   

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 11   

Địa phương: Bình Định   

Đơn vị xử lý: Chính phủ   

Lĩnh vực: Công tác chỉ đạo điều hành   

Trả lời:

Tại Công văn số 8209/BTC-NSNN ngày 01/6/2016

Ngày đăng: 01/06/2016

1. Cơ chế quản lý giá hiện hành của Nhà nước: Theo quy định tại Luật Giá 2012, hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, giá cả của đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường (trong đó có các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc chữa bệnh...) đều được hình thành theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như xây dựng và ban hành các chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, điều hoà cung-cầu; chính sách tài khoá, tiền tệ...; đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá khi bình ổn giá; kê khai giá khi doanh nghiệp định giá, điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; quy định về niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết đối với tất cả các hàng hóa dịch vụ hoặc thực hiện điều tiết cung cầu thông qua chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu. Thực hiện công khai thông tin về giá theo quy định tại Luật Giá.

Trong thời gian qua, với việc điều hành đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ và sự chủ động, bám sát tình hình thực tiễn, phối hợp tốt hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương; công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về quản lý, điều hành giá được tăng cường; chính sách tài khóa và tiền tệ đã được triển khai phối hợp hiệu quả trong việc điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

    2. Đối với giá vật tư nông nghiệp: Hiện nay giá vật tư nông nghiệp cũng được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó: Doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và chỉ sử dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường về giá theo quy định của pháp luật.

    Theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, mặt hàng phân bón thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá. Khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi hồ sơ đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Trường hợp Nhà nước không công bố các biện pháp bình ổn giá, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón gửi hồ sơ kê khai giá về cơ quan quản lý giá. Theo đó, cơ quan quản lý giá thực hiện giám sát, kiểm tra và bình ổn giá phân bón thông qua việc kiểm tra, giám sát đăng ký giá, kê khai giá, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

    3. Đối với giá thuốc chữa bệnh: Theo quy định tại Luật Dược 2005, thì Bộ Y tế là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc.

    Hiện nay, việc quản lý giá thuốc thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, giá thuốc trên thị trường do doanh nghiệp tự quyết định. Nhà nước kiểm soát giá thuốc chủ yếu bằng hình thức gián tiếp, hậu kiểm qua các biện pháp như thực hiện kê khai giá thuốc, niêm yết giá thuốc, thanh tra, kiểm tra về giá thuốc. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước thông qua việc bảo đảm công khai, minh bạch về giá thuốc; đấu thầu mua thuốc đối với thuốc thanh toán từ quỹ BHYT, nguồn thu hợp pháp của cơ sở y tế công lập; đàm phán giá đối với một số thuốc có ít nhà cung ứng, một số thuốc đặc thù; quy định thặng số bán lẻ đối với thuốc bán tại nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập; thực hiện bình ổn giá thuốc đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, mặc dù đã kiểm soát được tình tăng giá thuốc nhưng hiện giá thuốc tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào giá thị trường thế giới với khoảng trên 50% giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu nên có trường hợp vì mục đích lợi nhuận của một bộ phận cơ sở, cá nhân nên đã xảy ra hiện tượng đẩy giá thuốc nên cao, cùng một loại thuốc nhưng giá khác nhau trong cùng một địa bàn, một địa phương... ảnh hưởng không tốt đến tâm lý xã hội và quyền lợi của người bệnh.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, vừa qua Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 ban hành Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tiếp tục chủ trì, chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về kê khai và kê khai lại giá thuốc; tăng cường công khai, minh bạch về giá thuốc; tăng cường công tác công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá thuốc; tiếp tục khuyến khích thực hiện gia công thuốc và tăng cường sản xuất, sử dụng thuốc trong nước.

4. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; phối hợp chặt chẽ với các bộ quản lý chuyên ngành trong việc quản lý giá hàng hóa, dịch vụ; tổng hợp tình hình và dự kiến điều hành giá các mặt hàng thiết yếu của các Bộ, ngành báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý giá trên địa bàn địa phương trên cơ sở tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đồng thời, tổ chức theo dõi sát diễn biến thị trường-giá cả, kịp thời có biện pháp phù hợp can thiệp thị trường để bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật; thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các câu hỏi cùng địa phương: