Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Thực hiện lồng ghép nội dung các văn bản quy định chi tiết nhằm hạn chế số văn bản cần ban hành để tập trung quyết số văn bản còn nợ từ các năm trước.

Gửi bởi: Cử tri tỉnh Long An   

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 11   

Địa phương: Long An   

Đơn vị xử lý: Chính phủ   

Lĩnh vực: Công tác chỉ đạo điều hành   

Trả lời:

Tại Công văn số 2262/BTP-VP ngày 7/7/2016

Ngày đăng: 07/07/2016

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khắc phục cơ bản tình trạng nợ ban hành văn bản, đồng thời nâng cao chất lượng của văn bản. Nội dung của văn bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và tương thích với các điều ước quốc tế.

Một trong những giải pháp luôn được Chính phủ và các bộ, ngành đề cao áp dụng đó là thực hiện kỹ thuật ban hành một văn bản quy định chi tiết nhiều nội dung có liên quan đến nhau (lồng ghép nội dung các văn bản quy định chi tiết) nhằm giảm bớt số văn bản cần ban hành để tạo sự thống nhất và đơn giản hóa hệ thống văn bản, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng của văn bản. Đây là một trong những giải pháp được Bộ Tư pháp đề xuất, kiến nghị tại Báo cáo về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hàng tháng trình Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ. Để thực hiện giải pháp này, sau khi Quốc hội thông qua các dự án luật, pháp lệnh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan tiến hành rà soát các nội dung được luật, pháp lệnh giao Chính phủ quy định chi tiết; tổ chức phiên họp đề xuất, thống nhất văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn ban hành cho từng bộ, ngành, trên cơ sở bám sát vào quy định mà luật đã giao quy định chi tiết, theo đó có nhiều nội dung tương tự hoặc có phạm vi điều chỉnh gần nhau mà luật, pháp lệnh giao quy định chi tiết, đơn vị đề xuất xây dựng văn bản phải xem xét và đề xuất phương án xây dựng một văn bản quy định nhiều nội dung, tránh tình trạng mỗi vấn đề luật giao lại đề xuất xây dựng một văn bản. Ví dụ: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật ban  hành VBQPPL) có 05 nghị định quy định chi tiết, vừa qua Chính phủ ban hành 01 nghị định (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL) để thay thế cả 05 nghị định này; Luật báo chí có 08 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết song đã lồng ghép các nội dung và chỉ đề xuất xây dựng, ban hành 02 nghị định quy định chi tiết; Luật tiếp cận thông tin có 03 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, chỉ xây dựng và ban hành 01 nghị định quy định chi tiết…

Nhằm khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn, thực hiện triệt để giải pháp trên, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 (đều có hiệu lực ngày 01/7/2016) đã bổ sung một số các quy định mới về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết như:

- Quy định “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh” (khoản 1 Điều 11 Luật ban hành VBQPPL); "cơ quan chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết" (Điều 25 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

- Quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết (khoản 6 Điều 7 Luật ban hành VBQPPL).

- Quy định việc lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết; Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hằng quý và hằng năm báo cáo Chính phủ.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, góp ý kiến với các bộ, ngành và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc kết hợp và lồng ghép tốt hơn nữa các văn bản quy định chi tiết để tiếp tục giảm bớt số lượng các văn bản cần ban hành mà vẫn đảm bảo bao quát đủ về nội dung. 

Các câu hỏi cùng địa phương: