4. Ủy ban Pháp luật

24/05/2017 14:20

Tại Công văn số của Ủy ban Pháp luật về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII như sau:

1. Cử tri TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương, Nghệ An, Hà Nam, Đắk Lắk, Hải Dương, Yên Bái, Long An, Ninh Thuận, Thái Bình, Bình Định, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng luật. Để hạn chế những sai sót trong hoạt động xây dựng luật (như đối với Bộ luật hình sự thời gian qua), đề nghị nên có bộ phận chuyên trách xây dựng luật, đồng thời tổ chức tốt việc phản biện và lấy ý kiến nhân dân, nhất là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát để bảo đảm ban hành kịp thời văn bản quy định chi tiết thi hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật; có chiến lược và giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, hạn chế việc ban hành các văn bản dưới luật.

Trả lời:

Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến của cử tri về việc cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng luật nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tránh để xảy ra sai sót như đã có trường hợp xảy ra. Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới cả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cả trong các quy trình thủ tục hoạt động tại kỳ họp Quốc hội để nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua đã được chuẩn bị trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia và ý kiến Nhân dân theo hướng quy định cụ thể tối đa để bảo đảm có thể thi hành được ngay, từng bước hạn chế việc giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết. Bên cạnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng tăng cường hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành kịp thời để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, đã làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc này.

Về vấn đề tổ chức bộ phận chuyên trách xây dựng luật; tổ chức tốt việc phản biện và lấy ý kiến Nhân dân. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng dự án luật, trong đó Ban soạn thảo được thành lập với đầy đủ thành phần gồm đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của dự thảo văn bản. Ban soạn thảo có trách nhiệm dự thảo văn bản, tổ chức việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Thời gian qua, các Ban soạn thảo đều đã cố gắng thực hiện đúng quy định này của Luật. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh chưa nhiều, chưa thường xuyên. Việc lấy ý kiến Nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (như Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, các bộ, ngành) chưa phát huy được hiệu quả[1]. Bên cạnh đó, cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến đóng góp, trách nhiệm giải trình của Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa hợp lý nên chưa động viên, khuyến khích được sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ủy ban Pháp luật sẽ báo cáo kiến nghị này của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, có giải pháp tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình xây dựng luật để Luật được Quốc hội ban hành có khả thi cao, tránh sai sót, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Về việc giám sát ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành bảo đảm văn bản có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật. Đề nghị Quốc hội cần có chiến lược và giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, hạn chế việc ban hành các văn bản dưới luật, Ủy ban Pháp luật xin báo cáo như sau:

Cùng với việc thực hiện những cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, trong thời gian qua, Ủy ban Pháp luật đã phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng nợ đọng văn bản. Đến nay, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã có thay đổi căn bản và dần đi vào nề nếp; số lượng văn bản nợ đọng đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, theo nhiệm vụ được phân công, Ủy ban Pháp luật thường xuyên theo dõi, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo dõi tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án Luật, Pháp lệnh có trong Chương trình, đôn đốc các bộ, ngành kịp thời xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết và trong quá trình soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện đúng yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luậtDự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết(Khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

2. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị: Cử tri đề nghị dự thảo luật cần phải được các chuyên gia giỏi nghiên cứu, xây dựng; không nên giao cơ quan chủ quản nhằm hạn chế tình trạng bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành. Đề nghị từ ngữ trong luật phải rõ ràng, cụ thể để tránh hiểu nhầm cũng như tình trạng lợi dụng để “lách luật”.

Trả lời:

Ủy ban Pháp luật xin báo cáo như sau: Để khắc phục hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có những quy định về việc thành lập Ban soạn thảo liên ngành trong đó có các chuyên gia, các nhà khoa học; về việc tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan và những đối tượng chịu sự tác động của văn bản; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, thẩm tra dự án luật. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ sau khi dự án luật được trình ra Quốc hội cho ý kiến, các cơ quan của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua. Các quy định này của Luật góp phần khắc phục những hiện tượng cử tri băn khoăn về sự thiếu khách quan, tính cục bộ, lợi ích nhóm của các bộ, ngành hữu quan trực tiếp soạn thảo các dự án luật.

Về cách thể hiện, câu chữ, từ ngữ trong văn bản luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” (Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn yêu cầu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, chỉnh lý phải chú ý đến vấn đề này, tránh để xảy ra trường hợp quy định có cách hiểu khác nhau, không rõ ràng minh bạch. Ủy ban Pháp luật sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quán triệt đầy đủ tinh thần này đến các cơ quan hữu quan.  

3. Cử tri tỉnh Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị:Cử tri đề nghị tăng cường giám sát về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện đề án tinh giản biên chế; công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của các bộ, ngành và tại các địa phương.

Đề nghị này của cử tri cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến chất vấn tại các kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XIII và khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Hiện nay, Đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung này đang tích cực, khẩn trương triển khai các hoạt động với các bộ, ngành địa phương theo kế hoạch để báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017). Để góp phần cho hoạt động giám sát đạt hiệu quả, đề nghị cử tri tiếp tục quan tâm, phản ánh thực tế tại địa phương, cơ quan, tổ chức nơi mình sinh sống, làm việc cho Đoàn giám sát, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

4. Cử tri TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trà Vinh, Long An kiến nghị: Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật, Quốc hội cần tổ chức nhiều cuộc giám sát, thành lập nhiều Đoàn công tác giám sát ở địa phương để thúc đẩy và nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Đề nghị sớm ban hành Nghị quyết giám sát, kiểm soát quyền lực công của các cơ quan chính quyền.

Trả lời:

Về kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban Pháp luật xin được tiếp thu ý kiến của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội khi xem xét, quyết định Chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Về kiến nghị cần thành lập nhiều Đoàn công tác giám sát ở địa phương, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, việc tổ chức Đoàn công tác giám sát ở địa phương phải bảo đảm chương trình, kế hoạch, thời gian, địa điểm thực hiện giám sát để tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát, gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, nên tùy theo tình hình thực tiễn, Quốc hội sẽ quyết định số lượng Đoàn công tác giám sát tại địa phương. Ủy ban pháp luật xin ghi nhận ý kiến của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý khi thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tăng cường hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và cơ sở.

Đối với kiến nghị về ban hành Nghị quyết giám sát, kiểm soát quyền lực công của các cơ quan chính quyền, hiện nay cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được quy định trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước do Quốc hội ban hành (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, …). Cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước là vấn đề mới ở nước ta, sau một thời gian thực hiện, sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm trên cơ sở đó sẽ có nhiều đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật (nếu có) để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này.

5. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị xác lập cơ chế khả thi để đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng, trình các dự án luật; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng xây dựng luật, luật ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Trả lời:

Theo quy định của Hiến pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội là một chủ thể có quyền trình dự án luật. Khi đại biểu Quốc hội đề xuất và trình dự án luật, nếu bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Quốc hội sẽ xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để tiến hành các công đoạn tiếp theo (soạn thảo, thẩm tra, trình Quốc hội). Để tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án luật, Luật Ban hành văn bản quy định pháp luật đã quy định rõ cơ chế hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội. Cụ thể: Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, theo đề nghị của đại biểu Quốc hội, có trách nhiệm hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Các quy định này đang từng bước đi vào cuộc sống; đã có dự án Luật do đại biểu Quốc hội kiến nghị được Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 (dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4);  Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo; Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án Luật của mình. Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện quy định này của Luật để đề xuất tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm những cơ chế, điều kiện tốt nhất cho đại biểu Quốc hội tham gia và thực hiện quyền đề xuất và trình dự án luật của mình.

Về việc phát huy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định: đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia các cuộc họp thẩm tra do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; tham gia các cuộc họp lấy ý kiến, giải trình, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật; tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm cho ý kiến về các dự thảo luật, nghị quyết tại các phiên họp tại Tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội và tại hội trường. Ủy ban Pháp luật xin ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri và gửi tới các đại biểu Quốc hội để ngày càng phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng xây dựng luật, để luật ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống.

6. Cử tri TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu  kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội sớm xây dựng và thông qua Luật Biểu tình làm cơ sở cho việc quản lý hoạt động biểu tình và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân; quá trình xây dựng Luật cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Trả lời:

Ủy ban Pháp luật xin báo cáo như sau: Dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (tháng 3/2016) và thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016). Tuy nhiên, đây là dự án Luật có nhiều nội dung khó, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, trong quá trình chuẩn bị còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau. Ngoài ra, nội dung của dự án Luật biểu tình có liên quan chặt chẽ đến một số văn bản khác như dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (dự kiến Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3), Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp (đang được nghiên cứu để nâng lên thành Luật) nên hiện nay dự án Luật vẫn đang tiếp tục được các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân đối với dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo dự án Luật này và các dự án Luật khác phải thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan trình dự án có trách nhiệm công bố công khai dự thảo Luật để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, người dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Luật trong vòng 60 ngày trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan trình. Khi dự thảo được công bố lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức, người dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp có quyền tham gia ý kiến về nội dung của dự thảo Luật và gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu.

7. Cử tri TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật về hội, Luật Cựu chiến binh. Một số ý kiến đề nghị Quốc hội khi xem xét, thông qua Luật về hội cần xác định rõ những tổ chức hội nào được ngân sách hỗ trợ hoạt động, vì hiện nay có quá nhiều hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Trả lời:

Dự án Luật về hội đã được Quốc hội cho ý kiến 2 lần tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2015) và kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016). Tuy nhiên, đây là dự án Luật có nội dung phức tạp, nhiều nội dung ý kiến còn khác nhau, nhiều nội dung mới, quan trọng chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Do đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự án Luật này và giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại dự án để sớm trình Quốc hội. Hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) cũng đang khẩn trương chuẩn bị lại dự án, tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan. Khi Chính phủ trình, Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét để thông qua.

Đối với đề nghị xây dựng Luật Cựu chiến binh, hiện nay các quy định của Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đã cơ bản bảo đảm đủ cơ sở pháp lý để Hội Cựu chiến binh và lực lượng cựu chiến binh trên cả nước hoạt động tích cực, đóng góp, phát huy vai trò của cựu chiến binh trong quá trình xây dựng, pháp triển đất nước và chưa thấy có gì vướng mắc trên thực tế.Ý kiến của cử tri cũng đã được các cơ quan của Quốc hội chuyển đến các cơ quan có liên quan nghiên cứu, nhưng cho đến nay chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề xuất trình dự án Luật này.

 

 


[1] Ví dụ, năm 2015, Bộ Tư pháp gửi đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính, kết quả là sau 60 ngày đăng tin theo quy định chỉ có 2 ý kiến góp ý. 

Ban Dân Nguyện