Thực hiện nhiệm vụ được phân công của Đảng đoàn Quốc hội theo Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24/6/2021, ngày 18/8/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 272/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng “Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Sau quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo, xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan và Thường trực Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trong đó tên của Nghị quyết được sửa đổi thành “Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân."
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân và chất vấn, giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Về Hồ sơ chương trình giám sát trình Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, dự thảo Nghị quyết quy định, hồ sơ gồm: Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát (đối với chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân); Báo cáo tổng hợp về dự kiến chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; Tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân đã thực hiện trong 02 năm trước thời điểm đề xuất. Trong đó, báo cáo gồm những nội dung chính như: Kết quả tổng hợp đề nghị, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung chuyên đề được lựa chọn, đề xuất đưa vào chương trình giám sát; dự kiến nội dung chương trình giám sát; căn cứ, lý do lựa chọn nội dung, lĩnh vực đưa vào chương trình giám sát; đối tượng và phạm vi giám sát; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp chuẩn bị nội dung giám sát, biện pháp tổ chức thực hiện, các vấn đề liên quan khác.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân; Báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân; Tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; Thời hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổng hợp thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; Hội đồng nhân dân quyết định việc ban hành nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp; Trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; Chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; Giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Dự thảo Nghị quyết còn quy định về Đối tượng tham dự và trả lời chất vấn, giải trình tại các địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị; Lựa chọn chuyên đề giám sát; Chuẩn bị dự thảo các nội dung để triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân; Đoàn giám sát tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế; Nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; Nhiệm vụ của các thành viên của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát; Thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; Hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân; Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân về việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Đặc biệt, về lựa chọn chuyên đề giám sát, dự thảo Nghị quyết quy định các tiêu chí trong lựa chọn chuyên đề giám sát là: Căn cứ vào những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc những vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương; Không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Hội đồng 7 nhân dân cấp trên hoặc cùng cấp mới có hiệu lực thi hành dưới 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất trừ các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề cấp thiết khác theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Trung ương; Không trùng nội dung với các chuyên đề giám sát đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành giám sát trong khoảng thời gian ít nhất 02 năm tính đến thời điểm đề xuất, trừ trường hợp giám sát lại nội dung đã được giám sát do đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát.
Chi tiết nội dung dự thảo Nghị quyết xem tại file đính kèm.