TĂNG CƯỜNG SỰ CHỈ ĐẠO VÀ TRÁCH NHIỆM GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

29/06/2022

Chiều 29/6, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” đã tổ chức phiên họp cùng Tổ biên tập và các chuyên gia. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án, Tổ biên tập xây dựng Đề án, các chuyên gia, đại diện Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố cùng đại diện các Bộ, ban, ngành hữu quan.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc giao Ban Công tác đại biểu tổ chức nghiên cứu, xây dựng “Đề án tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp.” Ngày 26/01/2022, Ban Chỉ đạo Đề án đã thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án, ban hành Kế hoạch và phân công thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án.

Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập Đề án đã tiến hành tổng kết thực tiễn, tập trung nghiên cứu những nội dung trọng tâm là tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp. Quá trình triển khai xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã tiến hành phân công nhiệm vụ đối với thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập, thông qua Kế hoạch triển khai và Đề cương Đề án; trao đổi với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội về các nội dung liên quan và xin ý kiến và tiếp thu ý kiến Đảng đoàn Quốc hội về Đề cương chi tiết; nghiên cứu các đề tài khoa học, tham khảo các chuyên gia và những người có kinh nghiệm có liên quan; xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức các cuộc Tọa đàm chuyên gia cho ý kiến trực tiếp vào Đề cương và dự thảo Đề án; xin ý kiến góp ý trực tiếp bằng văn bản của thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Soạn thảo Đề án sau mỗi lần tiếp thu, chỉnh lý; tổ chức phiên họp của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về dự thảo Đề án; xây dựng Phụ lục Đề án. Sau quá trình triển khai, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo Tổ biên tập xây dựng Đề án gửi tài liệu dự thảo Đề án xin ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, đại diện các ban ngành hữu quan, nhằm có cơ sở tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, bố cục dự thảo Đề án gồm 3 phần lớn gồm: Phần 1. Sự cần thiết và các cơ sở xây dựng Đề án; Phần 2. Nội dung cơ bản của Đề án; Phần 3. Tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị. Về đề xuất giải pháp, xuất phát từ chủ trương của Đảng và từ thực trạng quy định của pháp luật, dự thảo Đề án đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chính nhằm tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp, bao gồm: Nhóm giải pháp để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn hoạt động và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; văn bản bảo đảm sự phối hợp chỉ đạo, điều hoà phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nhóm giải pháp về tổ chức triển khai các hoạt động đa dạng nhằm tăng cường sự gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp; Nhóm giải pháp về xây dựng, phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê/báo cáo bảo đảm sự liên thông, đồng bộ giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về bố cục của Đề án, về nội dung đánh giá thực trạng về quan hệ công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp trong Đề án. Cụ thể, các đại biểu bổ sung nhiều ý kiến về thực trạng quy định của pháp luật về quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan khác của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp; thực trạng công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp; thực trạng công tác hướng dẫn hoạt động và công tác khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp; thực trạng quan hệ công tác giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp trong các nhiệm kỳ gần đây.

Các đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng Đề án

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra quan điểm về sự phù hợp của các giải pháp đã nêu trong Đề án với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến đề nghị cần xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo và giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về sản phẩm của Đề án, bên cạnh Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, có cần thiết xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Đề án hay không? Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm đảm bảo sản phẩm của Đề án đạt hiệu quả cao, rõ trách nhiệm, rõ nội dung trong việc triển khai thực hiện.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm và giàu tính thực tiễn của các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đồng thời đề nghị Tổ biên tập xây dựng Đề án nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến đưa ra, rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ từ quan điểm đến cách thức thể hiện. Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp tục gửi thêm ý kiến qua văn bản, tiếp tục trao đổi, chia sẻ, kiến nghị để Đề án ngày một hoàn thiện, bảo đảm hiệu quả cao, rõ trách nhiệm, rõ nội dung trong việc triển khai thực hiện.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh cho ý kiến về dự thảo Đề án

Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về bố cục của Đề án, về nội dung đánh giá thực trạng về quan hệ công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp trong Đề án

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời đề nghị Tổ biên tập xây dựng Đề án nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến đưa ra.

Minh Hùng