ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI QUẢNG TRỊ VỀ SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

27/04/2022

Chiều 27/4, Đoàn giám sát của UBTVQH do Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát, làm Trưởng đoàn đã tổ chức khảo sát, làm việc tại tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

 

Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy.

Toàn cảnh buổi khảo sát tại tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Trị có 02 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện thuộc diện sắp xếp bao gồm: Thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, do các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, các yếu tố địa lý, địa bàn nên giữ nguyên chưa tiến hành sắp xếp đối với thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ.

Tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành sắp xếp 33 xã, thị trấn thành 17 xã, thị trấn (giảm 16 xã).  Sau sắp xếp, các địa phương đã thực hiện phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC cũ trước đây một cách tiết kiệm, hiệu quả. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp các tiêu chuẩn đô thị sau khi sắp xếp ĐVHC được quan tâm bằng việc bổ sung các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị đối với các thị trấn mới. Đồng thời, tiếp tục đánh giá, rà soát chất lượng đô thị của thị trấn sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC nhằm tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng các thị trấn đạt các tiêu chuẩn đô thị theo quy định. Việc chi trả chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng báo cáo với Đoàn Giám sát về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong qúa trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: số lượng cán bộ, công chức của các xã, thị trấn sau khi sắp xếp nhiều, phải thực hiện tinh giản dần theo lộ trình nên không thể bố trí về một trụ sở. Trước mắt, hầu hết các xã, thị trấn mới được sắp xếp đều sử dụng cơ sở vật chất và trụ sở làm việc của các xã cũ.

Hiện nay, còn 121 cán bộ, công chức dôi dư sẽ được tiếp tục giải quyết chế độ theo lộ trình. Trong khi đó, số cán bộ công chức dôi dư này hầu hết tuổi đời còn trẻ, có trình độ chuyên môn, năng lực công tác tốt nên việc giải quyết tinh giản gặp nhiều khó khăn. Quá trình triển khai lấy ý kiến của cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Để lấy được ý kiến, cán bộ các xã, thôn phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, trực tiếp phát và thu phiếu lấy ý kiến...

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Trung ương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay. Đối với các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp, huyện đảo Cồn Cỏ và phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), do có đặc thù về vị trí địa lý nằm cách biệt với các ĐVHC khác nên chưa đề nghị sắp xếp; các ĐVHC còn lại do đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, quốc phòng, an ninh nên đề nghị trung ương giữ nguyên như hiện nay. Kiến nghị trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở mới ở các xã, thị trấn mới thực hiện sắp xếp, đảm bảo quy mô làm việc, thuận lợi cho cán bộ, Nhân dân khi đến giao tiếp, giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ có chính sách tinh giản biên chế riêng đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng ưu đãi hơn so với chính sách tinh giản biên chế hiện nay. Từ đó, có thể đảm bảo cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng trị trong giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị làm rõ lộ trình bố trí nhân sự, cũng như những đề xuất rõ các chế độ chính sách đối với cán bộ để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp, đặc biệt là những cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Với đề xuất của tỉnh Quảng Trị chưa tiến hành sắp xếp, sáp nhập đối với đơn vị hành chính là thị xã Quảng Trị do các yếu tố về lịch sử, văn hoá, truyền thống đặc thù, đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị tỉnh nghiên cứu cân nhắc việc mở rộng địa giới hành chính của thị xã Quảng Trị để mở rộng không gian phát triển cho địa phương, thu hút được các nhà đầu tư, tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cùa người dân.

Ghi nhận những trao đổi thẳng thắn, tâm huyết trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những sự nỗ lực của cấp uỷ chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Trị, trong điều kiện có rất nhiều khó khăn trong điều kiện đặc thù của vùng miền của mảnh đất Quảng Trị nhưng trong hai năm vừa qua tỉnh đã nghiêm túc triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ thực hiện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính.

Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc

Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về các Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhấn mạnh những hiệu quả, thuận lợi mà người dân được thụ hưởng sau 2 năm sắp xếp lại đơn vị hành chính. Đây là cách tuyên truyền có tính thuyết phục cao để tạo tiền đề cho việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với công tác cán bộ, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng trong bối cảnh công việc ngày càng tăng, tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với phương châm “Thiếu gì thì bồi dưỡng đó” về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Về vấn đề sắp xếp con người, tỉnh cần rà soát lại nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản để có cơ chế hỗ trợ tiếp tại các đơn vị với công việc phù hợp.  

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm tạo thuận lợi trong phục vụ các dịch vụ công, lợi ích của người dân, doanh nghiệp địa phương; chú trọng đến tâm tư, tình cảm của người dân sau sáp nhập. Quá trình sắp xếp, địa phương cần chú trọng gắn với quy hoạch phát triển chung và quy hoạch ngành của địa phương theo lộ trình trước mắt và lâu dài./.

Thùy Linh