TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THANH: HĐND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ ĐÃ KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ LÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CHO CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

22/02/2022

"Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, với tinh thần trách nhiệm cao, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, khẳng định vai trò là cơ quan đại diện cho cử tri và Nhân dân tại các địa phương" - đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, với tinh thần trách nhiệm, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, khẳng định vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tại các địa phương" - Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trả lời phỏng vấn nhân Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu

Phóng viên: Thưa bà, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao là cơ quan của UBTVQH theo dõi tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bà đánh giá thế nào về kết quả hoạt động này trong năm qua?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau cuộc bầu cử, HĐND các tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều cố gắng, nổ lực, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn của địa phương, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong mọi hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện và ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nước trong năm 2021. Có thể kể đến một số kết quả chủ yếu như:

1. HĐND đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân. Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất và có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất từ trước đến nay, thể hiện ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, thể hiện niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

2. Trên cơ sở Hướng dẫn số 883/HD-UBTVQH14 ngày 02/6/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức rất thành công kỳ họp lần thứ nhất kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công nhiều kỳ họp bất thường, kỳ họp chuyên đề để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, trong phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV trên địa bàn.

3. Công tác ban hành văn bản của HĐND đã được quan tâm, chú trọng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có địa phương ban hành tới 190 Nghị quyết (không kể các Nghị quyết về công tác cán bộ), tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra. Các nghị quyết cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, tạo sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Đồng thời, TTHĐND nhiều tỉnh, thành phố sớm ban hành các Nghị quyết về Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND, Ban thường trực MTTQ tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND-UBND-MTTQ Việt Nam và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thường trực, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND một số tỉnh, thành đã hạn chế tổ chức giám sát, khảo sát ở cơ sở, tuy nhiên đối với một số tỉnh, thành ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn tổ chức nhiều hoạt động giám sát bằng nhiều hình thức như: giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp (qua báo cáo); kết hợp giám sát tại thực địa với nghe báo cáo. Công tác phối hợp với các đoàn giám sát của Quốc hội UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố khi giám sát tại địa phương đã được kết nối chặt chẽ, khoa học và hiệu quả. Nhiều địa phương đã đổi mới hình thức, phương thức tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo hướng rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đồng thời kiến nghị những đề xuất, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế mà cử tri và đại biểu đặt ra.

5. Công tác tiếp xúc cử tri cũng được quan tâm, chú trọng, thích ứng linh hoạt trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, song những ý kiến của cử tri vẫn được tiếp nhận đầy đủ qua phương tiện truyền thông, qua báo cáo của Tổ đại biểu hoặc kết hợp tổ chức tiếp xúc cử tri trực tiếp với trực tuyến,…Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đạt hơn 85%; công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản kịp thời, đúng quy định, nhất là từ khi UBTVQH nghe báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng, do vậy các cơ quan đã thụ lý giải quyết, đạt hơn 89%.

Nhìn chung, năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động, nỗ lực, HĐND đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri và nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo kế hoạch; Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ động chỉ đạo, điều hòa hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt công tác. Hoạt động các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ và có tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Thưa bà, qua tìm hiểu được biết tổ chức hoạt động của HĐND các cấp nhiều năm gần đây, đặc biệt 2021 đã có nhiều đổi mới rõ rệt, các cấp ủy chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Với vai trò là cơ quan giúp UBTVQH trong lĩnh vực này, Ban Công tác Đại biểu đã tham mưu xây dựng các kế hoạch như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu: Với trách nhiệm là cơ quan đầu mối giúp Thường vụ Quốc hội trong việc nắm tình hình và tham mưu trong hướng dẫn hoạt động của HĐND nhất là hoạt động giám sát của HĐND cũng như giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND và hoạt động giám sát HĐND, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu cho Thường vụ Quốc hội cũng như phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động.

Được sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2021 và năm 2022, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBTVQH15 ngày 29/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo 2 đề án quan trọng để ban hành 2 nghị quyết về tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động HĐND các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần giúp hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Ban Công tác đại biểu triển khai nhiều hoạt động phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân một số địa phương trong việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho đại biểu dân cử ở địa phương, trên cơ sở đề xuất TTHDND các địa phương, đồng thời tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục duy trì và đổi mới việc tổ chức thực hiện các hội nghị HĐND khu vực, với kinh nghiệm đã tổ chức HĐND khu vực của các nhiệm kì trước đây, năm 2022 này chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để phối hợp tổ chức các hội nghị HĐND khu vực cho 06 khu vực trong phạm vi cả nước.

Phóng viên: Thưa bà, năm 2021 là năm đầu tiên các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Vậy xin bà đánh giá khái quát về kết quả bước đầu của 3 địa phương này?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu; Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng; đồng thời, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 01/7/2021, các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã khẩn trương bắt tay vào việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết này trên địa bàn. Đây là dấu mốc quan trọng của các Thành phố nhằm đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp tinh gọn bộ máy hành chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Sau một thời gian triển khai thực hiện, chúng tôi cho rằng, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị là hướng đi đúng đắn, phù hợp với các Thành phố này, đang từng bước đi vào nền nếp và đã mang lại một số kết quả bước đầu, thể hiện trên một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, các Thành phố đã thực hiện nghiêm túc việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng Nghị quyết của Quốc hội; việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cơ bản diễn ra thuận lợi, bước đầu đi vào hoạt động ổn định. Tại những địa bàn thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các quận, phường trên địa bàn thành phố đã sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, công chức ở các quận, phường theo vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.

Thứ hai, vai trò của HĐND cấp trên ở các địa phương không tổ chức HĐND cấp dưới đã được tăng cường, không gây xáo trộn đến hoạt động quản lý, điều hành của UBND quận, phường; quyền dân chủ và quyền giám sát của Nhân dân trong việc thực thi pháp luật tại địa phương không những được bảo đảm mà còn được tăng cường bằng các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị xã hội, góp phần phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ ba, qua phản ánh của nhân dân tại một số địa phương nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, chất lượng hành chính công trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Việc thực hiện nhiệm vụ của chính quyền đô thị và tại những địa phương không tổ chức HĐND quận, phường cho thấy có nhiều đổi mới, cải tiến theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhân dân tại những địa phương này khi có yêu cầu đối với chính quyền thì đã được thuận lợi, nhanh gọn, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người dân.

Với những thành công bước đầu, chúng tôi cho rằng, mô hình chính quyền đô thị tại các Thành phố sẽ sớm được phát huy để giúp tạo thế và lực mới để các Thành phố phát triển trong tương lai.

Phóng viên: Thưa bà, để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả của HĐND các cấp năm 2022, HĐND các cấp cần quan tâm đặc biệt đến những giải pháp nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, trong năm 2022, các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản, chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND nhất là công tác tổ chức, cán bộ; các địa phương cần hoàn thành việc kiện toàn các chức danh còn thiếu và chuẩn bị công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031.

Thứ hai, nâng cao vai trò của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND. Chất lượng hoạt động của HĐND phụ thuộc vào chất lượng hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và từng cá nhân các vị đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách. Do vậy, cần tiếp tục phổ biến, quán triệt, thấm nhuần về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung cho ĐBQHĐND nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu, đồng thời, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho ĐBHĐND.

Thứ ba, đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết, tăng cường tính chủ động của HĐND trong việc ban hành Nghị quyết để kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị theo Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, giải quyết được những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố cả về tổ chức và đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp, chủ động phối hợp với UBND, UBMTTQVN tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị để thống nhất nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp hợp lý, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng. hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, với UBND và MTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND. Thực hiện các “kỳ họp, phiên họp không giấy; các báo cáo, kết quả giám sát sẽ được sử dụng tối đa thông qua hình ảnh cụ thể “video clip đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu giúp đại biểu có đủ thông tin chính xác để phục vụ xem xét, đánh giá và đề xuất đúng vấn đề.

Thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng đề án và ban hành nghị quyết nhằm tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động HĐND các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH với HĐND các cấp; đề án và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần giúp hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nâng cao chất lượng, hiệu quả. Qua đó tạo nên sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa các cơ qua dân cử ở Trung ương và địa phương, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cho cử tri, hân dân đã bầu ra mình.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hải Điệp