HỘI NGHỊ GIỚI THIỆU VỀ QUỐC HỘI DÀNH CHO ỨNG CỬ VIÊN LẦN ĐẦU TRÚNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

08/07/2016

Ngày 4- 8/7, tại Tp. Hải Phòng, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức Hội nghị lần thứ 2 giới thiệu về Quốc hội dành cho ứng cử viên lần đầu trúng cử đại biểu Quốc hội. Đây là Hội nghị nhằm bảo đảm các đại biểu được chuẩn bị một cách tốt nhất cho việc tham gia các hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV sắp tới. Trước đó, vào ngày 21/6 vừa qua, Hội nghị lần thứ nhất đã được tổ chức tại tỉnh Bình Thuận.

Hội nghị có sự tham dự của Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Ban Công tác đại biểu; Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các ứng cử viên lần đầu trúng cử đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng, những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội các khóa gần đây, nhất là của nhiều đại biểu Quốc hội đã ghi được dấu ấn trong lòng cử tri cả nước, đặt ra cho các đại biểu Quốc hội khóa XIV nói chung và các đại biểu mới được bầu lần đầu những thách thức to lớn trong việc thực hiện trọng trách được cử tri và nhân dân tin tưởng, kỳ vọng.

Do vậy, Hội nghị nhằm giúp những người mới trúng cử đại biểu Quốc hội nắm bắt được những thông tin cơ bản, quan trọng về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, vai trò và hoạt động của Quốc hội; một số kỹ năng cơ bản trong hoạt động lập pháp, giám sát; tiếp xúc cử tri, báo chí. Hội nghị cũng là dịp các ứng cử viên trúng cử lần đầu được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ các đại biểu Quốc hội khoá trước trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu.

Trong 5 ngày làm việc, các đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về Quốc hội; Quy trình, thủ tục kỳ họp Quốc hội; Quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; Tổng quan về quyết định và giám sát trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Ủy ban của Quốc hội; Kinh nghiệm hoạt động tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong hoạt động của đại biểu Quốc hội; Một số kỹ năng trong hoạt động lập pháp, giám sát, tiếp xúc báo chí, tiếp xúc cử tri…

Tại Hội nghị, chia sẻ một số kinh nghiệm hoạt động trong Ủy ban của Quốc hội, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội khoá XII Nguyễn Viết Lểnh cho rằng, trước hết người đại biểu tốt nhất là đăng ký hay được bố trí vào Ủy ban phù hợp với chuyên môn mình được đào tạo hoặc đã từng nghiên cứu, làm việc. Ủy ban là môi trường để đại biểu có thể vừa nhanh chóng nắm bắt được yêu cầu, nhiệm vụ công tác để phát huy năng lực của mình, vừa có điều kiện nâng cao thêm kiến thức, trình độ chuyên môn và tích luỹ kinh nghiệm làm việc tại cơ quan dân cử. Đối với những nhiệm vụ được phân công như tham gia các Tiểu ban, các Đoàn giám sát…, ngoài sự tận tâm với công việc, mỗi thành viên cũng cần phát huy tính sáng tạo mạnh dạn suy nghĩ, đề xuất ý kiến và bảo lưu ý kiến mà mình cho là đúng để được xem xét.

Cùng với đó, nếu trong quá trình tham gia là thành viên Ủy ban mà tự thấy mình chưa thực sự hiểu rõ, chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì đại biểu phải nỗ lực phấn đấu, phải báo cáo với Ủy ban và Quốc hội để được tạo điều kiện, giúp đỡ.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn chia sẻ kinh nghiệm tại một buổi thảo luận Tổ của Hội nghị

Về kinh nghiệm hoạt động của đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn chia sẻ, việc tham gia đầy đủ, đóng góp thiết thực cho mọi hoạt động của Đoàn là trách nhiệm của từng đại biểu theo quy định của pháp luật. Đây cũng là điều kiện để đại biểu thực hiện những lời hứa với cử tri; góp phần nâng cao khả năng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của người đại biểu. Tuy nhiên, đại biểu cần hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh chương trình hoạt động của cá nhân trong chương trình chung của Đoàn. Đồng thời cần sẵn sàng hỗ trợ các đại biểu Quốc hội khác trong trường hợp buộc phải điều chỉnh chương trình hoạt động do yếu tố khách quan.

Về kinh nghiệm thu thập và xử lý thông tin trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, nguyên Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Hải Dương Lương Anh Tế cho rằng, các đại biểu nên dành nhiều thời gian tự đọc tài liệu thu thập thông tin và rèn luyện kỹ năng đọc nhanh. Đại biểu có chuyên môn, có sở trường ở lĩnh vực nào thì nên tập trung nghiên cứu, thu thập thông tin về lĩnh vực đó, theo phương châm “biết nhiều, hiểu sâu một vài lĩnh vực”. Đồng thời cần mạnh dạn phát biểu ở nghị trường, nói những gì mình hiểu sâu, biết rõ; không nên tham gia vào những lĩnh vực có tính chuyên môn quá sâu mà không thuộc sở trường của mình.

Về kỹ năng lập pháp của đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, đối với kỹ năng này, đại biểu cần nắm chắc những quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tìm kiếm những nội dung không hợp lý, không phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Xác định những vấn đề, nội dung trong dự án cần đóng góp ý kiến. Đại biểu cũng cần đánh giá những tài liệu, thông tin do cơ quan trình dự án; yêu cầu thông tin để củng cố cho luận cứ của mình, nhất là về những nội dung chưa hoặc không đồng tình.

Bên cạnh một số nội dung trên, tại Hội nghị các đại biểu cũng được tập huấn theo hình thức thảo luận tại Tổ về kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng lập pháp, giám sát; kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp xúc báo chí…

Tại Hội nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Vụ Thông tin, Thư viện Quốc hội, Trung tâm Tin học của Văn phòng Quốc hội cũng đã tiến hành giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm góp phần hỗ trợ các hoạt động của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.

Quang Minh