Đồng chí Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội…
Sau 10 năm hoạt động, công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử của Quốc hội đã triển khai một cách chủ động, bám sát kế hoạch và hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao với kết quả đáng ghi nhận.
Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức được gần 230 hội nghị với sự tham gia của khoảng 24.500 lượt đại biểu dân cử và cán bộ văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trong đó, có khoảng gần 100 hội nghị dành cho đại biểu Quốc hội, còn lại dành cho đại biểu nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của Đại biểu dân cử, tại Hội nghị, Ban Công tác đại biểu đã đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, tập trung vào hai nội dung bồi dưỡng là kiến thức và kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hình thức bồi dưỡng đa dạng, chú trọng đến hai hình thức hội thảo, toạ đàm và các khoá tập huấn.
Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý và tăng cường sự tham gia của đại biểu vào hoạt động bồi dưỡng, Ban công tác đại biểu đang triển khai Đề án ban hành Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của đại biểu Quốc hội. Cụ thể, phân định rõ vai trò của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để nâng cao hoạt động của Ban công tác đại biểu, đổi mới hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử trong thời gian tới.
Kết thúc Hội nghị, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam thay mặt lãnh đạo Ban Công tác đại biểu cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến của đại biểu tham dự. Theo ông, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cử tri và nhân dân cả nước, thời gian tới sẽ có nhiều thách thức trong công cuộc đổi mới hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử, công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử cần tiếp tục khai thác, ứng dụng những kinh nghiệm tốt, tăng cường hợp tác với đại biểu để theo kịp với tiến trình đổi mới của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.