CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: THỐNG NHẤT, CHUẨN HÓA, NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

08/08/2022

Sáng 08/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Quốc hội với Ban Công tác đại biểu về hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Công tác đại biểu về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn giám sát của HĐND các cấp

Toàn cảnh cuộc làm việc

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. 

Báo cáo tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cho biết, dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tập trung hướng dẫn 5 nhóm vấn đề chính gồm: chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; hoạt động chất vấn tại kỳ họp của HĐND, hoạt động chất vấn và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu HĐND; xem xét việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình.

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng hướng dẫn HĐND trong các hoạt động giám sát. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV, tiếp nối những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương ban hành Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, tăng cường hiệu quả công tác này để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nói chung và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, Ban soạn thảo cần phải làm rõ hơn tên gọi của Nghị quyết, căn cứ pháp lý, sự cần thiết ban hành Nghị quyết, mục đích, quan điểm chỉ đạo và các định hướng lớn, các nội dung cụ thể...

Tại cuộc làm việc, Ban soạn thảo cho biết sẽ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 5 nội dung về: Hoạt động giám sát của HĐND ở những địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị; về công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của các Ban HĐND; hoạt động giám sát chuyên đề của các Ban HĐND cấp xã; xác định tính pháp lý của văn bản của Tổ đại biểu HĐND; trách nhiệm thực hiện các kiến nghị trong nghị quyết và kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải rà soát kỹ lưỡng hơn nữa, việc xây dựng Nghị quyết hướng dẫn phải căn cơ, đảm bảo thật sự chất lượng, làm sao để hoạt động giám sát của HĐND đi vào trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả. 

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cơ bản tán thành với 5 nhóm vấn đề cần tập trung hướng dẫn; đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo xem xét lại thẩm quyền quyết định các vấn đề chất vấn của Thường trực HĐND tại một số điều trong dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến cũng nhất trí cho rằng, Nghị quyết cần tập trung hướng dẫn các nội dung luật chưa quy định rõ, những nội dung mà HĐND đang vướng mắc thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu tham dự để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 8 này. 

Chủ tịch Quốc hội thống nhất tên gọi là "Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND", đồng thời nhấn mạnh đây là nghị quyết hướng dẫn, mang tính chất như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục cho được một số hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay. 

Việc ban hành Nghị quyết này phải cụ thể hoá được các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp nói chung và hoạt động giám sát nói riêng; cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình công tác năm... 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết này phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và các luật, nếu quy định nào vướng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thì cần đề xuất sửa đổi, bổ sung, không dùng Nghị quyết này để sửa quy định của luật hoặc ban hành quy định mới, trái với luật. Nội dung hướng dẫn phải đúng vai, đúng thẩm quyền. Đây là nguyên tắc phải tuân thủ. 

Lưu ý một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có các nội dung hướng dẫn để tạo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động giám sát và các chủ thể giám sát từ khâu xây dựng chương trình giám sát, tổ chức giám sát đến giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trong đó, cần bám sát 5 nhóm hoạt động giám sát của HĐND theo quy định tại Điều 113 Hiến pháp năm 2013, Điều 57 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết nên có quy định về: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong hoạt động giám sát của HĐND, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát, xây dựng các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát, tương tác giữa HĐND, đại biểu HĐND và cử tri... để HĐND có cơ sở thực hiện. 

Với các nội dung liên quan đến chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện các kết luận giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay các chế tài đã được quy định trong luật, do đó, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các chế tài. Mặt khác, để có những biện pháp mạnh mẽ hơn thì cần kết hợp chặt chẽ các hoạt động giám sát, ví dụ qua giám sát chuyên đề đã có kết luận nhưng cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện thì HĐND chọn ra các vấn đề nổi cộm đưa ra chất vấn, công khai kết quả thực hiện kết luận giám sát, kết luận chất vấn...; với những vấn đề lớn, đã rõ, qua giám sát phát hiện trách nhiệm của tập thể, cá nhân thì tuỳ theo mức độ yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo luật định.  

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Nghị quyết cần tập trung hướng dẫn các nội dung luật chưa quy định rõ, những nội dung mà HĐND đang vướng mắc thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu tham dự để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 8 này.

Minh Hùng- Phạm Thắng