ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP.HÀ NỘI

30/08/2017

Chiều 29/8, Đoàn giám sát của UBTVQH do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy làm Trưởng đoàn đã làm việc với HĐND TP Hà Nội về việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự cuộc làm việc có đại diện Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; HĐDT; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại, đại diện Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, đại diện UBMTTQ thành phố và HĐND một số quận huyện, các sở, ban ngành của thành phố.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với HĐND TP Hà Nội

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2021, đến thời điểm hiện tại, HĐND TP Hà Nội có 103 đại biểu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND TP Hà Nội ban hành 49 Nghị quyết, trong đó, có những Nghị quyết quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong quá trình thực hiện, Thường trực và các Ban HĐND thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai để các nghị quyết phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp được HĐND thành phố đặc biệt quan tâm. Các cuộc giám sát của HĐND, các Ban của HĐND thành phố đều có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm và trúng những vấn đề bức xúc của thực tiễn, được cử tri quan tâm. Các kết luận giám sát có chất lượng, chỉ ra được những khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, HĐND TP Hà Nội cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Đó là, việc phân cấp giữa các cấp chính quyền đã được thực hiện tại khoản 1, điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng hiện nay nhiều luật chuyên ngành chưa quy định cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố nên khó xác định đầy đủ các nội dung UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định. Ngoài ra, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định các chính sách đặc thù của địa phương phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, tuy nhiên, các nội dung về báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ chỉ mang tính nguyên tắc, quy định chung, chưa cụ thể nên khó khăn trong việc triển khai, thực hiện… Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc này, HĐND TP Hà Nội kiến nghị, UBTVQH ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh Nghị định số 48/2016/NĐ-CP theo hướng bố trí phòng chuyên môn giúp việc các Ban HĐND để tham mưu, phục vụ sâu hơn và tạo nguồn đại biểu cho HĐND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ tiếp theo…

Đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội đạt được trong thời gian qua, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng yêu cầu HĐND thành phố giải đáp một số vấn đề cụ thể như: làm rõ việc xác định nội dung và quy trình thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật dựa trên tiêu chí nào, trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, khó khăn gì không? Việc giám sát của tổ đại biểu được thực hiện như thế nào, sau giám sát có kết luận giám sát không?...

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội thời gian qua. Đồng thời nêu rõ, HĐND thành phố đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, bám sát yêu cầu theo đề cương của Đoàn giám sát. Báo cáo đã khát quát được tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố. Nội dung báo cáo đã chỉ rõ những điểm mới, điểm thuận lợi, những tồn tại, hạn chế, kiến nghị đề xuất cụ thể trong quá trình thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND. Nghị quyết được HĐND thành phố ban hành đúng thẩm quyền, kịp thời, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến, nội dung các nghị quyết sát với thực tiễn.

Với những kiến nghị của HĐND thành phố liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Thủ đô, tiếp xúc cử tri… Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo UBTVQH để xem xét, giải quyết. 

(Ban Công tác đại biểu)