Hôm nay 11/1, VN chính thức là thành viên của WTO

12/01/2007

Hôm nay 11/1, tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt tại Geneva-Thụy Sĩ sẽ diễn ra lễ kết nạp VN trở thành thành viên chính thức của WTO. Kể từ ngày này, VN chính thức được hưởng đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên chính thức và sẽ được quyền tiếp cận thị trường của 149 thành viên khác mà không bị phân biệt đối xử.

Chính phủ chi phối 4 yếu tố tạo ra sức cạnh tranh

Theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, thực tế vào WTO là một cuộc cạnh tranh giữa DN và DN, Chính phủ và Chính phủ. Cạnh tranh giữa Chính phủ và Chính phủ cũng có 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Bản thân DN không tự quyết định được hết mà chính hoạt động của Chính phủ với 4 cấp như vậy sẽ tạo ra giới hạn về khả năng cạnh tranh cho DN.

Có 6 yếu tố quan trọng cấu thành sức cạnh tranh, đó là: thể chế pháp luật, bộ máy hành chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, khả năng tạo ra sản phẩm với giá rẻ và khả năng đưa sản phẩm giá rẻ đến thị trường tiêu thụ.

Trong 6 yếu tố tạo ra sức cạnh tranh, Nhà nước chịu trách nhiệm về 4 yếu tố để tạo ra giới hạn cạnh tranh cho DN lớn mạnh. Thứ nhất, hệ thống luật pháp. Khuôn khổ luật pháp chưa tốt thì DN khó ‘‘vùng vẫy’‘. Thứ hai, luật pháp tốt nhưng bộ máy hành chính chưa tốt sẽ tăng chi phí, gây nhũng nhiễu vô cảm làm nản lòng nhà đầu tư. Thứ ba, cơ sở vật chất hạ tầng, hệ thống đường sá giao thông, chi phí cảng biển yếu kém cũng làm hạn chế khả năng cạnh tranh. Thứ tư, vấn đề nguồn nhân lực. Các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào những ngành nghề có giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, chế tạo cơ khí... thường than phiền về tình trạng thiếu nhân công trình độ cao.

Hội nhập bắt đầu từ những vấn đề cụ thể

Đã gần 2 tháng kể từ ngày VN kết thúc tiến trình đàm phán cam go gia nhập WTO, nhưng nhận thức và sự sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện các cam kết WTO không phải đã đến với mọi DN và người dân. Bộ trưởng Tuyển thẳng thắn nhìn nhận, sau khi có Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế, có nhiều chương trình phổ biến về WTO nhưng vẫn còn ở mức chung, chưa đi vào cụ thể, như: Chúng ta thực hiện cam kết thế nào, có lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài quá nhiều tác động tới xã hội ra sao... Ông Tuyển bày tỏ lo ngại trước cả hai khuynh hướng là lạc quan quá mức và lo lắng thái quá của một bộ phận dân cư. Bộ trưởng Tuyển thừa nhận thiếu sót này thuộc về các bộ ngành, trong đó có Bộ Thương mại.

Vào WTO không có nghĩa là những khó khăn mà chúng ta thường gặp phải trước đây sẽ mặc nhiên biến mất. Câu chuyện của ngành dệt may là ví dụ nhãn tiền cho các DN. Chưa kịp hưởng niềm vui của thời hậu hạn ngạch thì dệt may đã phải đối mặt với nỗi lo bị kiện bán phá giá. Chưa vào WTO, chúng ta cũng bị kiện bán phá giá và vào WTO rồi chúng ta vẫn phải đối mặt với hàng rào này. Rồi vào WTO thì người nông dân cũng cần hiện đại hóa. Sản phẩm họ làm ra cần bảo đảm những yêu cầu gì, lên thành phố cần có những tiêu chuẩn gì và xuất ra nước ngoài thì bao gói hay chất lượng sản phẩm phải ra sao...

Tất cả các vấn đề như vậy là những việc làm rất cụ thể và thiết thực đối với DN và người dân. Thế nhưng, nếu không có những hướng dẫn cụ thể thì DN và người dân chưa chắc đã nắm bắt được. Thực hiện cam kết WTO trước hết phải đi từ những vấn đề gần gũi, thiết thực với cuộc sống của người dân và DN

(Theo NLĐ)