ĐỀ XUẤT BỔ SUNG CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CHUYỂN NHƯỢNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ

30/05/2020

Để ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư không thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án để hưởng chênh lệch, tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện về kiểm soát hoạt động chuyển nhượng dự án.

 

Tại kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Một trong những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý là Chuyển nhượng dự án đầu tư.

Thời gian qua, vấn đề chuyển nhượng dự án đầu tư phát sinh rất nhiều bất cập mà không thể xử lý được. Trên thực tế, có nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án mà chỉ để chuyển nhượng dự án để hưởng chênh lệch. Mục đích hướng tới của nhà đầu tư là đăng ký dự án để được giao đất, cho thuê đất, sau đó chuyển nhượng đất, núp bóng bằng hình thức chuyển nhượng dự án. Thực tế, nhà đầu tư hưởng lợi từ chuyển nhượng dự án nhưng đất đai thực hiện dự án thì không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, chậm tiến độ thực hiện dự án nên tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.


Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Hội trường.

Với những bất cập trên, đại biểu Võ Thị Như Hoa – Đoàn đại biểu Tp.Đà Nẵng, cho rằng trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư tại Điều 46 là quá dễ dàng, trong khi đó, điều kiện ràng buộc tại các luật liên quan cũng còn thiếu chặt chẽ. Đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉ có Luật Kinh doanh bất động sản có quy định về điều kiện là phải đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ được phê duyệt là có thể kiểm soát được. Quy định này đã buộc doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư phải xác định mục tiêu là thực hiện dự án đến cùng và chỉ chuyển nhượng khi không thể tiếp tục thực hiện chứ không phải lập dự án để sau đó chuyển nhượng hưởng chênh lệch. Đối với các loại dự án còn lại, cơ chế kiểm soát còn thiếu chặt chẽ nên rất khó trong kiểm soát việc chuyển nhượng dự án đầu tư dẫn đến tình trạng chuyển nhượng dự án diễn ra rất phổ biến và biến tướng.

Với những bất cập trên, đại biểu Võ Thị Như Hoa đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện về kiểm soát hoạt động chuyển nhượng dự án, tương tự như đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ví dụ quy định nhà đầu tư phải thực hiện được một phần dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt hoặc trong trường hợp vì lý do khách quan, bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện dự án thì mới được phép chuyển nhượng. Điều này giúp đảm bảo việc đề xuất dự án là thực chất, không phải lập dự án để chuyển nhượng hưởng chênh lệch như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng dự án đầu tư đối với đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án Luật Đất đai cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không tính đến dự án được cấp để triển khai trên diện tích đất đó, không có quy định ràng buộc liên quan đến dự án đầu tư. Thậm chí theo quy định tại Nghị định 01/2017, sau khi chấm dứt dự án đầu tư, nhà đầu tư vẫn có quyền được chuyển nhượng, quyền sử dụng đất đã được giao cho thuê để thực hiện dự án. Điều này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư lập dự án để được giao đất, cho thuê đất nhưng sau đó không thực hiện dự án mà đi thế chấp hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư và sau đó quyền sử dụng đất được chuyển nhượng cho người khác còn dự án thì không thể triển khai được. Do đó rất cần thiết phải được quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai, đó là khi thế chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư thì phải kèm theo dự án đầu tư đó. Đây là vấn đề hết sức cấp bách mà không thể chờ đến khi sửa đổi Luật Đất đai. Do vậy, đề nghị bổ sung 1 điều khoản ngay trong Luật Đầu tư (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai liên quan đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư.


Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.

Nêu ý kiến về chuyển nhượng dự án đầu tư, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Chuyển nhượng dự án là yêu cầu khách quan, nếu được các bên tham gia thỏa thuận, đồng tình. Tuy nhiên cũng cần quy định khi nào thực hiện xong dự án thì mới được chuyển nhượng để tránh quy hoạch treo, dự án treo, bán dự án.. Cho nên phải rà soát kỹ để đảm bảo điều kiện chuyển nhượng không vì lợi ích nhóm hay bán dự án để hưởng chênh lệch giá, làm dự án chậm tiến độ.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp cho thuê đất hàng năm thì không được chuyển nhượng, trong các trường hợp nào, nếu các nhà đầu tư không thực hiện dự án thì Nhà nước thu hồi lại đất, làm thủ tục bàn giao cho nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư được bán tài sản của mình thuộc sở hữu gắn liền với đất, trên cơ sở đó mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Tiếp tục rà soát để khắc phục chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai

Thực tế hiện nay, nhiều dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án mà lại thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư khác. Do vậy, để tránh hiện tượng dự án treo và đảm bảo quy định tại Điều 189 Luật Đất đai, Đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, nêu quan điểm đề nghị bổ sung các điều kiện chuyển nhượng dự án chặt chẽ hơn. Cụ thể, không đồng ý chuyển nhượng những dự án chưa thực hiện xong các thủ tục về đất đai, xây dựng cơ bản.

Về thời gian tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư quy định tại Điều 49 của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Tại khoản 1 Điều 49 dự thảo Luật Đầu tư đề nghị bổ sung thời gian nhà đầu tư được tạm ngừng hoạt động, tránh để dự án treo, đồng thời đề nghị làm rõ thời gian tạm ngừng hoạt động có tính vào tiến độ thực hiện dự án hay không, vì đây sẽ là căn cứ để gia hạn tiến độ thực hiện dự án.


Đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ phát biểu.

Ngoài ra, theo đại biểu Cao Đình Thưởng, phải đề cập tính đồng bộ, tương thích giữa Luật Đầu tư với các luật khác có liên quan. Theo quy định tại Điều 50 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), “nhà đầu tư chậm tiến độ 12 tháng so với tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận đầu tư mà không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thì bị chấm dứt hoạt động”. Tuy nhiên, theo Điều 64 Luật Đất đai “nhà đầu tư bị thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư nếu tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa đưa đất vào sử dụng, trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì nhà đầu tư được gia hạn sử dụng đất 24 tháng”. Như vậy, thời gian chấm dứt hoạt động của dự án không phù hợp với thời gian gia hạn sử dụng đất, có khi dự án đủ điều kiện chấm dứt nhưng vẫn còn thời hạn sử dụng đất. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để khắc phục những chồng chéo về pháp luật khi ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi).

Kết luận phiên thảo luận về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất ý kiến đối với các vấn đề chuyển nhượng dự án đầu tư cũng như các chính sách về đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.... Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đề nghị Ủy ban Kinh tế yêu cầu cơ quan soạn thảo xem xét kỹ lưỡng lại dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Bích Lan