NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

24/12/2019

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và Luật này cũng đã được Chủ tịch nước ban hành Lệnh công bố Luật.

Luật hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

Căn cứ Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để cụ thể hóa các quy định về vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện 2 Luật đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, đặc biệt là việc luật hóa các chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương theo hướng quy định tiêu chí thành lập tổ chức, sắp xếp tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, quy định hợp lý số lượng cấp phó của tổ chức, giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. Từ yêu cầu trên, Chính phủ đã trình và tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020). Luật sửa đổi, bổ sung 05/50 điều của Luật tổ chức Chính phủ và 38/143 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Những điểm sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức Chính phủ

Sửa đổi bổ sung thẩm quyền của Chính phủ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định về tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy định về số lượng cấp phó tối đa của đơn vị thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

Luật mới cũng bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ về ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời bỏ thẩm quyền của Thủ tướng trong quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do chuyển nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Để thống nhất với quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ trong cho “từ chức” và “biệt phái” và “điều động, luân chuyển, biệt phái” đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật

Bổ sung thẩm quyền quyết định cụ thể số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

Bỏ thẩm quyền “quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành” để thực hiện thống nhất vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Những sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức chính quyền địa phương

Luật quy định rõ khi thực hiện phân cấp, phân quyền phải gắn với hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện; quy định cụ thể các trường hợp được thực hiện phân cấp, ủy quyền để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan.

Quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Luật quy định theo hướng linh hoạt. Theo đó, Luật khẳng định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương; giao Chính phủ quy định việc tổ chức các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo.

Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về tổ chức và quyền hạn của Hội đồng nhân dân

Luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Hội đồng nhân dân, bổ sung quy định có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (Khoản 1 Điều 7).

Luật cũng quy định rõ khung số lượng theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giới thiệu những nội dung chính của Luật tại Họp báo công bộ Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật

Luật bỏ quy định Chánh Văn phòng trong Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quy định rõ số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nếu Chủ tịch hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch; nếu Chủ tịch hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch). Giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện (từ 02 người xuống còn 01 người). Bổ sung Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã là Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã.

Luật quy định rõ nếu Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì có một Phó Trưởng ban; nếu Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Trưởng ban.

Luật bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã (do UBND cấp xã xây dựng) trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Uỷ ban nhân dân cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri, về tiếp xúc cử trị và thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân; về tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định; về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.

Tại buổi họp báo công bố Luật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để triển khai thi hành Luật dự kiến trong năm 2020 Chính phủ cần ban hành 06 Nghị định để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các Nghị định hiện hành liên quan đến Luật tổ chức Chính phủ. Đối với nội dung liên quan đến Luật tổ chức chính quyền địa phương, trong năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân./.

Bảo Yến

Print   Close