12/07/2018
Theo chương trình phiên họp thứ 25, sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bí mật nhà nước liên quan đến quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, do đó cần nghiên cứu ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật để đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp và đề nghị danh mục mật phải được công khai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Về lập, ban hành danh mục bí mật nhà nước, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức; không quy định lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương mà nghiên cứu thiết kế điều luật quy định để bảo đảm thực hiện danh mục bí mật nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương theo từng lĩnh vực quản lý. Theo đó, việc xác định thông tin bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở địa phương sẽ tuân thủ danh mục bí mật nhà nước theo lĩnh vực quản lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Khắc phục tình trạng đóng dấu mật vào danh mục bí mật nhà nước
Phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo mới có nhiều thay đổi cả về quy trình và thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể được làm rõ hơn, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo tương đối phù hợp. Một số ý kiến đề nghị phải rà soát kỹ thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; cần đánh giá kỹ việc Thủ tướng Chính phủ ban hành cả danh mục thông tin mật có cần thiết, khả thi; nghiên cứu làm rõ việc quy định quyết định ban hành danh mục là văn bản quy phạm pháp luật có đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng nếu đặt ra yêu cầu chi tiết là luật này phải quy định Văn phòng Quốc hội quy định cái gì là tối mật, tuyệt mật, mật; cùng với đó là mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan cũng đều xác định cái gì là tối mật, tuyệt mật và mật thì luật này không thể quy định được, không biết bao nhiêu năm mới quy định được. Cho nên, vẫn phải quy định ủy quyền cho Chính phủ, cho Thủ tướng, các cấp có thẩm quyền quy định chi tiết danh mục từng cơ quan, từng ngành, nghề, phải có thời hạn chuyển tiếp và đưa luật này vào cuộc sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ, rất phổ biến hiện nay danh mục bí mật nhà nước lại đem đóng dấu mật vào, trong khi danh mục bí mật nhà nước chỉ là tên. Ví dụ thông tin về kinh tế chưa công bố trong lĩnh vực kế hoạch 5 năm là mật; thông tin về vấn đề nhân sự của lãnh đạo bộ, chuẩn bị bầu cử là tối mật. Danh sách đó ta hình dung như hàng rào, đã là hàng rào thì phải công khai thì người ta mới biết đấy là hàng rào để người ta không vượt qua. Danh mục lại đóng dấu mật vào đấy thì người ta bảo hàng rào ở dưới đất, tôi không nhìn thấy nên thực tế công việc gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải khắc phục tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị khắc phục tình trạng đóng dấu mật vào danh mục bí mật nhà nước
Tán thành với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật về danh mục bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng danh mục bí mật nhà nước phải được công khai bởi đây là giới hạn để người ta tránh. Nếu danh mục mật mà để mật nốt thì ai biết giới hạn nào mà tránh. Do đó cần hết sức cân nhắc, bảo đảm luật này phải phù hợp với các luật khác để đảm bảo quyền của cơ quan, tổ chức và công dân được biết thông tin và phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng danh mục này vẫn phải công khai.
Xem xét ban hành danh mục bí mật nhà nước ngay trong luật
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh đây là luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân và công dân được quy định trong Hiến pháp. Quy định trong Hiến pháp là những vấn đề gì cấm thì phải được quy định bằng luật. Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ quy định về phạm vi và lĩnh vực bí mật nhà nước, còn danh mục lại không quy định là chưa ổn. Hơn nữa phạm vi và lĩnh vực xác định bí mật nhà nước thì lại quy định rất rộng, vì vậy phải quy định chặt chẽ và hẹp hơn nữa, sát đúng vào những vấn đề cần phải bảo vệ bí mật nhà nước.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, danh mục nên do Quốc hội ban hành mới đúng theo quy định của Hiến pháp. Danh mục bí mật nhà nước, không như kinh doanh có điều kiện, nó có tính ổn định tương đối lâu dài và có thể xác định được và nó sẽ ổn định tương đối lâu dài, chỉ có khác là quá trình phát triển, vật chứa thông tin có thể thay được. Chủ tịch Hội đồng đề nghị nên ban hành danh mục bí mật nhà nước ngay trong luật này.
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, cần ban hành danh mục này kèm theo với luật bảo đảm đúng theo các quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời cân nhắc có điều kiện thời gian để ban hành danh mục này.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị ban hành danh mục bí mật nhà nước ngay trong luật
Cân nhắc quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng việc quy định "quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật" là không cần thiết. Danh mục này, như khi Văn phòng Quốc hội có những danh mục gọi là tuyệt mật, những danh mục sau đây gọi là tối mật, những danh mục sau đây gọi là mật thì văn bản đó không cần phải quy phạm pháp luật, nên là văn bản cá biệt. Việc quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cũng cần được cân nhắc. Theo Chủ tịch Quốc hội, Điều 12 dự thảo Luật quy định “danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật” là không hợp lý. Bởi nếu nó là danh mục văn bản quy phạm pháp luật thì quy trình, thủ tục ban hành phải tuân thủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, Quốc hội đã ban hành một số luật có quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định các danh mục như trong Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng hay Luật Chuyển giao khoa học, công nghệ có danh mục cấm chuyển giao nhưng không quy định đó là văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy cần phải xem xét lại cho đồng bộ.
Thay mặt ban soạn thảo phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết nếu ban hành luôn danh mục thì rất lớn và rất rộng cho nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định theo các phạm vi và lĩnh vực; còn các danh mục cụ thể sau này sẽ giao thẩm quyền cho Thủ tướng và các bộ, ngành có liên quan theo đúng tinh thần mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung của luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.
Bảo Yến