08/02/2023
Năm 2023 là năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, năm bản lề trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chương trình, hoạt động của Quốc hội. Trong bối cảnh đó, đối ngoại Quốc hội xác định mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ: ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI - ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà
Phát huy vai trò tiên phong trong việc nâng cao vị thế và uy tín của đất nước
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra và trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, cũng còn không ít khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có tinh thần sáng tạo, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ công tác đối ngoại Quốc hội xác định mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian tới, công tác đối ngoại của Quốc hội xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước.
Với đặc thù “vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân”, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội với nghị viện các nước, các đối tác phát triển, chú trọng trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Thực hiện hiệu quả các thỏa thuận song phương và thúc đẩy ký kết thỏa thuận với nghị viện các nước theo hướng hiệu quả, thực chất; trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tập trung thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Đối với các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho biết, công tác đối ngoại của Quốc hội sẽ được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa; chú trọng phát huy tối đa lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện theo tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư; nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong những vấn đề và các cơ chế then chốt, quan trọng có tầm chiến lược tại các cơ chế liên nghị viện đa phương khu vực và quốc tế. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò tích cực của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện quan trọng, thể hiện là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, công tác đối ngoại của Quốc hội tập trung thúc đẩy ngoại giao kinh tế; tích cực hợp tác cùng nghị viện các nước ủng hộ và thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các FTA song phương và đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy đàm phán các FTA song phương với các nước, nhất là các đối tác thương mại lớn; các đối tác, nhóm đối tác trong khu vực Mỹ La tinh, Trung Đông và châu Phi.
Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc để yên tâm sinh sống ổn định, làm việc, học tập, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.
Minh Thành