20/09/2022
Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tổ chức diễn đàn tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới của Quốc hội Việt Nam, với sự chủ động, quyết liệt, tích cực lắng nghe, không ngừng tổng kết thực tiễn để có quyết sách đúng đắn đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Tổng thuật Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Ngày 18/9 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam, chương trình thường niên của Quốc hội tái khởi động từ năm 2021 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm nay với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã thu hút 450 đại biểu dự trực tiếp tại hội trường; khoảng 600 giảng viên, học viên và sinh viên của 6 học viện, trường đại học theo dõi theo hình thức kết nối trực tuyến tới các điểm cầu. Diễn đàn được tổ chức với phiên toàn thể tọa đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề, thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo thống kế, chỉ trong buổi sáng, riêng tương tác của người xem trên các nền tảng số đã đạt hơn 1 triệu lượt.
Theo số liệu thống kê, tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong có khoảng gần 200 đại biểu tham dự. Tham dự Diễn đàn có bốn đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 20 Ủy viên Trung ương Đảng và 25 Bộ trưởng, Trưởng ban Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, 9 vị đại sứ, đại biện lâm thời của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, được kết nối trực tuyến đến 57 điểm cầu các địa phương và 4 điểm cầu quốc tế: Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan, cùng đại diện của 5 tổ chức quốc tế tại Việt Nam, 20 Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn lớn của doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Diễn đàn đã có 10 báo cáo đề dẫn, 15 diễn giả trình bày tham luận tại phiên toàn thể. Tại 2 phiên chuyên đề, rất nhiều ý kiến tham gia trao đổi và thảo luận tương tác giữa các đại biểu nhằm chia sẻ các thông tin về tình hình thế giới, trong nước, không chỉ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, mà còn về vấn đề tăng trưởng, hồi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch; dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc. Theo đó, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội là phương thức rất quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những kết quả đạt được tại Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng ngoài tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức nhưng các ý kiến đều đạt sự đồng thuận, thống nhất. Theo đó về giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch và liên kết phát triển vùng và khu vực, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại diễn đàn. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đánh giá về chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, đây là diễn đàn mở, thành phần tham dự phong phú, đa ngành, ý kiến thảo luận tương đối đa chiều, toàn diện. Nhiều chuyên gia cho rằng, Quốc hội đang có những đổi thay mạnh mẽ, nhanh chóng, tích cực, ngày càng gần hơn với cử tri, huy động tối đa sức mạnh trí tuệ của các chuyên gia, học giả. Diễn đàn lần này đã chuyển tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp; tống hợp ý kiến chia sẻ từ trung ương đến địa phương, trong nước và quốc tế, giữa các chuyên gia trong nước và nước ngoài, giới học giả, các nhà nghiên cứu, cũng như những cơ quan thực thi chính sách, các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu
Nhiều ý kiến nhận định, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm nay đã có nhiều đổi mới, cung cấp những thông tin quan trọng, góp phần vào công tác hoạch định chính sách, thể hiện tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong tiến trình phục hồi và phát triển. Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đánh giá, các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn là rất thẳng thắn, khách quan và mang tính chất cầu thị. Trong phiên thảo luận, rất nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội đã được nêu lên, phân tích và đề xuất giải pháp. Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, những diễn đàn mở mang tính chất chuyên sâu như vậy sẽ khuyến khích các bên có liên quan tiếp tục đóng góp những ý kiến, tham gia vào quá trình thảo luận để tìm ra giải pháp cho các vấn đề lớn, góp phần vào quá trình hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tổ chức diễn đàn năm nay cũng tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới của Quốc hội Việt Nam, sự chủ động, quyết liệt vào cuộc đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, để có quyết sách phù hợp dựa trên những thông tin đến từ thực tiễn. Diễn đàn là một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Chia sẻ ý kiến, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc khởi động trở lại chương trình Diễn đàn Kinh tế trước đây và nâng tầm thành Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 là một hoạt động rất hữu ích, thể hiện mong muốn lắng nghe của Quốc hội, để cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tham gia thảo luận những chính sách quan trọng, hệ trọng đối với đất nước. Một chính sách của đất nước được đóng góp từ cơ sở thực tiễn, từ khía cạnh khoa học, được rút ra từ việc học hỏi chắt lọc kinh nghiệm quốc tế chắc chắn sẽ đảm bảo chất lượng.
Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn
Bày tỏ ấn tượng trước sức lan tỏa mạnh mẽ của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang hy vọng những ý kiến đưa ra tại diễn đàn sẽ là gợi ý, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Theo đại biểu, Diễn đàn đã đưa đến cái nhìn toàn diện về “cú lội ngược dòng” của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nền kinh tế của Việt Nam đã đi đúng đường ray, các chính sách vĩ mô đều đúng hướng và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy cũng lưu ý, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu, rủi ro về chuỗi cung ứng.
Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh, cần có những giải pháp hữu hiệu nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế. Đây cũng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.
Minh Hùng