17/04/2020
Trong Hồ sơ Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV vừa qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra thực trạng các tranh chấp dân sự được hòa giải ngoài tố tụng dân sự có liên quan đến Dự án Luật này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm rõ một số vấn đề
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các tranh chấp dân sự được hòa giải ngoài tố tụng dân sự trong đó có hòa giải tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp đất đai là một thủ tục “tiền tố tụng”. Đây là các hoạt động hòa giải ngoài tố tụng nhưng được phân biệt với hoạt động hòa giải ngoài Tòa án với tính chất là hoạt động hòa giải bắt buộc, là điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án dân sự, lao động.
Đối với hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, một số tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động. Tỷ lệ vụ việc tranh chấp về lao động được hòa giải thành đạt 60%. Hòa giải viên lao động mới bước đầu tham gia giải quyết một số tranh chấp lao động cá nhân ở một số tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương (bình quân mỗi Hòa giải viên tham gia giải quyết khoảng 10 vụ/năm).
Hoạt động hòa giải tranh chấp lao động thời gian vừa qua còn đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, cụ thể: Vai trò của Hòa giải viên mới chỉ giới hạn trong giải quyết tranh chấp một cách bị động khi được yêu cầu; chưa có nhiệm vụ hỗ trợ hai bên trong doanh nghiệp phát triển quan hệ lao động một cách tích cực, chủ động để phòng ngừa tranh chấp xảy ra; Yêu cầu chung của thiết chế hòa giải là phải bảo đảm tính độc lập, trung lập nhưng hiện nay 100% đội ngũ Hòa giải viên hoạt động kiêm nhiệm. Nhiều Hòa giải viên được bổ nhiệm chính là cán bộ của các tổ chức đại diện của chính các bên tranh chấp, không bảo đảm tính khách quan, trung lập, ảnh hưởng đến niềm tin của các bên tranh chấp đối với các Hòa giải viên; Mạng lưới Hòa giải viên mới chỉ quy định bố trí theo từng tỉnh, chưa có sự quản lý, kết nối thống nhất từ trung ương tới địa phương; Chế độ chính sách còn thấp, các hỗ trợ về địa điểm, phương tiện, kinh phí làm việc của địa phương rất hạn chế, không thu hút được nguồn nhân lực tham gia.
Đối với hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được (tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải cơ sở) thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai). Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì tùy từng trường hợp được giải quyết tại Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (khoản 1 và khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai). Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Đất đai tuy chưa có số lượng thống kê toàn quốc nhưng qua khảo sát tại tỉnh Long An, năm 2018, tổng số vụ tranh chấp đất đai được thụ lý tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An là 2.478, trong đó hòa giải thành là 896 vụ, số vụ hòa giải không thành là 1.162 vụ. Cũng trong năm 2018, Tòa án hai cấp tại tỉnh Long An thụ lý 743 vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (những tranh chấp này theo quy định của pháp luật phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã).
Về hòa giải ở cơ sở, đây là việc Hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng thôn, bản. Sự ra đời của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo số liệu của Bộ Tư pháp thì số vụ hòa giải thành theo Luật Hòa giải ở cơ sở tính từ năm 2016 đến năm 2018 là 323.046 vụ/393.649 vụ, đạt tỷ lệ 82,06%. Kết quả này góp phần làm giảm số lượng các tranh chấp phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nêu trên, số vụ việc Hòa giải viên cơ sở thực hiện hòa giải chỉ chiếm 32,9% số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý giải quyết (393.649/1.196.487 vụ việc). Cũng trong thời gian này, còn 70.603 vụ việc chưa được hòa giải thành theo Luật Hòa giải ở cơ sở, góp phần làm cho số vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng lên (năm 2018 tăng so với năm 2016 là 94.619 vụ việc).
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chất lượng, trình độ của đội ngũ Hòa giải viên ngày càng được nâng cao. Các Hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã huy động được lực lượng cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, cán bộ nghỉ hưu, trưởng họ, trưởng tộc hoặc những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tích cực công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều địa phương khác đã có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ Hòa giải viên, như phát huy vai trò của đội ngũ luật sư, luật gia và những người am hiểu pháp luật, đã từng công tác trong các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng tham gia làm Hòa giải viên; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, tăng số lượng vụ việc hòa giải thành. Có thể khẳng định rằng, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng góp phần quan trọng trong phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Số lượng lớn các vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm số lượng công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước; giảm vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định, phát triển đất nước.
Toàn cảnh Phiên họp về nội dung Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Về hòa giải thương mại, ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại, đến nay, đã có 05 Trung tâm trọng tài thương mại được Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập, 03 Trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại và gần 100 Hòa giải viên vụ việc đã đăng ký tại Sở Tư pháp. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có số liệu báo cáo về vụ việc tranh chấp thương mại được giải quyết theo phương thức hòa giải thương mại.
Về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, báo cáo sơ kết của 63 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, từ ngày 01/7/2016 (ngày Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/7/2018, chưa có Tòa án nào thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nên chưa phát hiện vướng mắc, bất cập.
Đánh giá chung về các cơ chế hòa giải ngoài Tòa án liên quan đến các tranh chấp dân sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ rõ, cơ chế hòa giải ngoài tố tụng, ngoài Tòa án được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc hòa giải của Hòa giải viên tiến hành theo Luật Hòa giải ở cơ sở chủ yếu được tiến hành đối với những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, vi phạm pháp luật không nghiêm trọng đã đạt những kết quả nhất định, nhưng thực tế số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết trong những năm vừa qua ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp.
Về hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, đến nay mới chỉ có 03 Trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại. Tuy nhiên, chưa có số liệu báo cáo về vụ việc tranh chấp thương mại được giải quyết theo phương thức hòa giải thương mại.Về hòa giải tranh chấp lao động, tỷ lệ vụ việc được hòa giải thành đạt 60%. Từ khi có quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì chưa có trường hợp nào đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Quan phân tích thực trạng các tranh chấp dân sự được hòa giải ngoài tố tụng dân sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, thực tiễn thi hành pháp luật thời gian qua cho thấy mâu thuẫn, tranh chấp có yêu cầu Tòa án giải quyết là rất lớn nhưng vẫn chưa có cơ chế kết hợp giữa Tòa án và các nguồn lực ngoài Tòa án trong quá trình hòa giải, đối thoại dẫn tới cả cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải ngoài Tòa án chưa phát huy hết ưu thế, hiệu quả của nó. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Tòa án nên chưa có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện cũng như hình thành đội ngũ Hòa giải viên chuyên nghiệp tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Do đó cần thiết xây dựng Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để khắc phục những hạn chế, vướng mắc để khắc phục những bất cập hiện nay liên quan đến vấn đề này./.
Hồ Hương