07/03/2020
Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của internet đối với trẻ em.
Trẻ em là đối tượng sử dụng internet với tần suất lớn
Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của Internet các mạng xã hội đã gây ra nhiều thay đổi sâu sắc trong phương thức con người giao tiếp và tương tác với nhau.
Người trẻ nói chung, trong đó có thiếu niên và trẻ em, là một trong những đối tượng chính sử dụng Internet và mạng xã hội với tần suất lớn. Internet và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống và ảnh hưởng của chúng đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của con người, nhất là với những người trẻ là vô cùng lớn và dễ nhận thấy.
Toàn cảnh hội thảo
Theo các đại biểu, thiếu niên và trẻ em là giai đoạn tuổi mà sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều những biến động và thiếu tính ổn định. Chính vì thế mà mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng rất có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em, trong đó có những ảnh hưởng về mặt sức khỏe.
Những ảnh hưởng tích cực
Các đại biểu cho rằng, chúng ta không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. Chúng làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, làm cho con người đến với nhau dễ dàng hơn và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại.
Bên cạnh đó, mạng xã hội giúp người trẻ tăng cường sự đồng cảm, các đại biểu cho rằng, thiếu niên và trẻ em có thể hiện sự đồng cảm, quan tâm đối với những người khác thông qua các hành động thích (like), chia sẻ hoặc bày tỏ các cảm xúc của bản thân đối với những bài viết, hình ảnh hay các chia sẻ của người khác. Cũng thông qua mạng xã hội, người trẻ có nhu cầu tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi động viên của người khác bằng cách bày tỏ các cảm xúc, tâm trạng của mình. Khi sự đồng cảm được tăng lên thì sự từ bi của người trẻ cũng tăng.
Nhiều nghiên cứu tâm lý học thần kinh cho thấy, khi con người có những tiếp xúc giữa người với người thì lúc đó hệ thần kinh sẽ giải phóng một loại hợp chất gồm các chất dẫn truyền thần kinh được giao nhiệm vụ điều chỉnh phản ứng của chúng ta đối với căng thẳng và lo lắng. Nói cách khác, khi chúng ta giao tiếp với người khác, nó có thể giúp chúng ta trở nên linh hoạt hơn, giảm các yếu tố căng thẳng trong thời gian dài. Ngoài ra, sự tương tác xã hội cũng tạo ra hoóc môn dopamine làm cho chúng ta bớt đau, giống như một loại morphine được sản xuất tự nhiên.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, internet và mạng xã hội là một kênh thông tin quan trọng trong thực hành chăm sóc sức khỏe. Các đại biểu khẳng định, không thể phủ nhận rằng, Internet và mạng xã hội hiện nay cung cấp rất nhiều những thông tin, nội dung tư vấn và giúp con người nói chung và người trẻ nói riêng thực hành các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Trên mạng Internet có vô vàn những chuyên trang, chuyên mục, fanpage, hội nhóm... giúp cung cấp thông tin, tư vấn, sức khỏe, cách thức chăm sóc sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao... Nếu chưa nói đến những thông tin không chính thống, chưa chính xác thì có thể nói, ở một mức độ nhất định, Internet và mạng xã hội đã hỗ trợ tích cực được cho người dùng về các nội dung và cách thức chăm sóc sức khỏe.
Những ảnh hưởng tiêu cực
Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, không chỉ đối với người trẻ tuổi mà còn đối với tất cả những ai không biết cách kiểm soát chúng.
Đại diện Viện Nghiên cứu Thanh niên phát biểu
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên đưa ra, Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội và là một trong 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng tự kiểm soát của một bộ phận người trẻ trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội còn chưa cao.
Đại diện Viện Nghiên cứu Thanh niên cũng chỉ ra, 85,0% người có dùng mạng xã hội truy cập vào các trang mạng xã hội ít nhất một lần mỗi ngày và 70,0% người thừa nhận rằng họ phải đăng nhập vào mạng xã hội đầu tiên ngay khi vừa mở máy tính hoặc thiết bị di động. Đối với nhiều người, nhu cầu được sử dụng mạng xã hội thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 đã công bố một nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ châu Á khi khảo sát 6.000 thanh, thiếu niên ở độ tuổi từ 12-22 tại 3 nước châu Á là: Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, đã xuất hiện cái gọi là hội chứng “nghiện” mạng xã hội, nhiều người trong số này bị rơi vào trạng thái lệ thuộc thế giới ảo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập, sinh hoạt và sức khỏe. Nghiện facebook trong thời gian dài sẽ gây ra các hệ lụy, đắm chìm trong facebook khiến họ quên đi các mối quan hệ giao tiếp xã hội, mất ăn, mất ngủ nên cơ thể hay bị ốm, hệ miễn dịch không được tốt. Nghiên cứu cũng cho thấy có sự khác biệt về mức độ phụ thuộc Internet và mạng xã hội giữa những thiếu niên và trẻ em sống tại khu vực thành thị và nông thôn. Theo đó, những em sống tại thành thị có mức độ phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội cao hơn những em sống tại khu vực nông thôn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và làm rối loạn ăn uống. Bằng chứng là những gì chúng ta nhìn thấy trên Internet và mạng xã hội có thể dẫn chúng ta đến những quyết định sai lầm và tạo ra những thói quen nguy hiểm. Thời gian chúng ta tiếp xúc với mạng xã hội nhiều hơn và làm cho chúng ta bỏ lỡ những hoạt động tích cực khác. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của Internet và mạng xã hội đối với sức khỏe thể chất của chúng ta đó là chúng làm chúng ta thay đổi thói quen sinh hoạt và thói quen của giấc ngủ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc sử dụng càng nhiều số lượng mạng xã hội, với thời gian sử dụng càng nhiều, thì càng dẫn tới nguy cơ cao mắc chứng rối loạn ăn uống.
Theo một nghiên cứu trên quy mô toàn nước Mỹ với đối tượng là thanh thiếu niên gần đây, thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội liên quan mật thiết tới việc gia tăng cảm giác bị cô lập. Tác giả của nghiên cứu này khẳng định, con người sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh để lấp đầy những khoảng trống nhưng có vẻ nó đang phản tác dụng. Trong nghiên cứu được tiến hành với gần 1.800 người trong độ tuổi từ 19 đến 32, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những người sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày cảm nhận thấy sự cô lập nhiều gấp đôi so với những người chỉ sử dụng mạng xã hội trong 30 phút. Bên cạnh đó, những người vào mạng xã hội từ 58 lần/tuần có cảm giác cô đơn gấp 3 những người chỉ vào 9 lần/tuần.
Theo Đại diện Viện Nghiên cứu thanh niên cho biết, thiếu niên và trẻ em càng sử dụng và lạm dụng quá nhiều internet và mạng xã hội thì nguy cơ trầm cảm càng gia tăng. Trầm cảm facebook là một loại rối nhiễu tâm lý có thể gây ảnh hưởng đến trẻ em, thanh thiếu niên và thậm chí cả những người lớn. Hiện tượng “trầm cảm Facebook” có thể trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong bối cảnh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng. Việc sử dụng Inetrnet và mạng xã hội quá nhiều khiến các thanh thiếu niên dễ bị buồn bã, trầm cảm khi luôn nhìn thấy các bạn đồng trang lứa có cuộc sống sung túc, thú vị hơn hoặc có thân hình hoàn hảo hơn.
Các đại biểu cho rằng, điều chỉnh thời gian sử dụng mạng xã hội và xem truyền hình của thanh thiếu niên có thể giúp những người trẻ tuổi kiểm soát sự chán nản, tổn thương và các triệu chứng trầm cảm khác.
Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị cần có những nghiên cứu mang tính quy mô rộng và toàn diện hơn về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của internet đối với trẻ em để củng cố thêm các luận cứ khoa học về ảnh hưởng thực sự của Internet và mạng xã hội đối với con người nói chung và đối với thiếu niên, trẻ em nói riêng; từ đó chúng ta mới có thể có những căn cứ thực sự vững chắc cho việc đề xuất các giải pháp hoặc khuyến nghị phù hợp để hạn chế những tác động tiêu cực từ Internet và mạng xã hội đến sức khỏe của thiếu niên, trẻ em./.
Thu Phương