BỔ SUNG CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

09/09/2019

Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều bổ sung chính sách ưu tiên đối với một số hoạt động phòng, chống thiên tai nhằm huy động các nguồn lực cho phòng, chống thiên tai.

Toàn cảnh Phiên họp

Đối với một số nội dung sửa đổi của Luật Phòng, chống thiên tai trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Dự luật bổ sung cụ thể một số loại hình thiên tai, công trình phòng chống thiên tai để thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Bổ sung chính sách ưu tiên đối với một số hoạt động phòng, chống thiên tai nhằm huy động được các nguồn lực cho phòng chống thiên tai: ưu tiên hoạt động khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng chống thiên tai; cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Sửa đổi, bổ sung việc xác định lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương là một trong các nguồn nhân lực tại chỗ cho phòng chống thiên tai.

Đồng thời Dự luật cũng sửa đổi làm rõ vật tư, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai với vật tư, trang thiết bị khác của nhà nước trong Luật (vật tư, phương tiện, trang thiết bị sử dụng đa mục đích). Bổ sung kế hoạch trung hạn, Quỹ dự trữ tài chính vào nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động phòng chống thiên tai để phù hợp với Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công; sửa đổi Điều 10 về Quỹ phòng, chống thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo một số nội dung

Thẩm tra Tờ trình, đa số các ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý với dự thảo Luật bổ sung 02 loại hình thiên tai là: gió mạnh trên biển, sương mù và 03 loại công trình phòng chống thiên tai là: chống xâm nhập mặn, chống lũ quét, chống sét. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung loại hình thiên tai: “giông”, “lũ ống”, một số loại thiên tai do tác động của con người (như chặt phá rừng, khai thác cát quá mức)… Đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ cơ sở khoa học của việc xem xét để bổ sung các loại hình thiên tai và công trình phòng chống thiên tai để điều chỉnh, quản lý trong luật. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị làm rõ một số thuật ngữ như: “lực lượng xung kích”, “kiểm soát an toàn phòng chống thiên tai”, “tình huống khẩn cấp về thiên tai” “tái thiết sau thiên tai”… để rõ hơn nội hàm quản lý.

Về nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai, các ý kiến của Ủy ban đều tán thành với việc bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Phòng, chống thiên tai về nguồn tài chính khác cho phòng, chống thiên tai (ngoài nguồn ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân) để thu hút nguồn lực của xã hội cho công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích rõ hơn về nguồn tài chính này; cơ chế quản lý, sử dụng; quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng báo cáo một số nội dung thẩm tra

Đối với ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung trong khoản 1 Điều 9 của Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành là ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng chống thiên tai bao gồm: ngân sách hàng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Riêng kế hoạch trung hạn chỉ là cơ sở, điều kiện để bố trí vốn đầu tư hàng năm nên không thuộc đối tượng này.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định bảo đảm ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng chống thiên tai quy định tại khoản 2 Điều 9 trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay. Thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống thiên tai giai đoạn 2014 – 2018 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, ở nhiều địa phương, thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, UBND cấp tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai nhưng việc bố trí ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Kế hoạch phòng, chống thiên tai được phê duyệt (chủ yếu phục vụ cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai); việc cấp phát kinh phí còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là với nguồn hỗ trợ khẩn cấp, ứng phó sự cố thiên tai. Vì vậy, để bảo đảm tính chủ động, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra thì ngân sách nhà nước nên có nguồn ổn định, bảo đảm đầu tư ngay từ giai đoạn phòng ngừa (tập trung cho dự báo, cảnh báo; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật…). Đồng thời, cần quy định cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai, đặc biệt là hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai.

Về Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc cần có Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai địa phương.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về các nội dung như thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho phù hợp với đối tượng dễ bị tổn thương; Về phân định trách nhiệm giữa Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai với trách nhiệm Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn để tránh chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; Chỉnh sửa văn phong, câu chữ; Tính tương thích giữa các quy định mới bổ sung trong dự thảo Luật./.

Hồ Hương