PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TRỰC TIẾP TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

15/08/2019

Tiếp tục chương trình chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 15/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Trực tiếp trả lời chất vấn về những tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, ĐBQH Triệu Thu Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và dành nhiều thời gian hơn cho nội dung này trong các phiên họp thường kỳ, và trong nhiều phiên họp chuyên đề yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn; trách nhiệm của Bộ trưởng, Trưởng ngành rõ rệt hơn. Hơn nữa, Quốc hội cũng yêu cầu các Bộ trưởng tiếp thu, giải trình ngay tại diễn đàn Quốc hội nên các Bộ trưởng, Trưởng ngành không thể thoái thác được. Thủ tướng cũng đã giao cho các Phó Thủ tướng vào cuộc cùng các dự án Luật từ khi xây dựng chính sách, cho đến khi xây dựng các dự án lần 1, lần 2  trình Quốc hội. Văn phòng Chính phủ cũng thường xuyên đôn đốc nên công tác này cũng đã có nhiều chuyển biến.

Về tình trạng trình chậm trình hồ sơ dự án Luật dẫn đến chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, rút dư án Luật ra khỏi chương trình, Phó Thủ tướng cho biết tình trạng này tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn còn tình trạng nợ văn bản, thông tư. Nguyên nhân là do chưa tuân thủ quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sự quan tâm chỉ đạo của một số của tư lệnh ngành chưa đánh giá kỹ khi xây dựng, thời gian cho phép ban hành Nghị định còn ngắn, phần lớn đây là vấn đề khó, phức tạp nên việc soạn thảo còn khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ ngành còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xem xét sửa đổi, bổ sung Luật này trình Quốc hội. Chính phủ và Thủ tướng sẽ cập nhật công khai, rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của từng bộ, ngành. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo Chính phủ, tổ công tác của Chính phủ. Đồng thời tập trung tiếp tục tăng cường hơn năng lực xây dựng và triển khai pháp luật của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại phiên chất vấn

Về các chất vấn của đại biểu liên quan đến tình trạng tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh việc chúng ta đấu tranh phòng chống những đại án, vụ án lớn về kinh tế về tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh vấn đề tham nhũng vặt. Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công chức, viên chức, tuy là vặt nhưng tác dụng không vặt chút nào. Một con đê cao to, hùng vĩ cũng có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ. Cho nên Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để ngăn chặn vấn đề này:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo nhau, tránh việc tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật của cả cơ quan thực thi và cơ quan thanh kiểm tra, kiểm toán; tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ chỗ pháp luật.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch; cố gắng ứng dụng cung cấp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công lên cấp độ 4 thông qua việc thanh toán qua mạng nhằm ngăn chặn người thực thi và người cung cấp dịch vụ công tham nhũng vặt. Chúng ta cũng cần có hệ thống kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin, camera giám sát và các hình thức khác.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, nhất là bổ nhiệm cán bộ đứng đầu, những trưởng đoàn.

Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân với các phương tiện truyền thông, đề cao thương tôn pháp luật kể cả người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ công chức, viên chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị và tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, 04 Nghị quyết chuyên đề và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, những mốc thời gian thực hiện rõ ràng và được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị rất kỹ lưỡng đã tạo nhiều thuận lợi cho sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng; bên cạnh đó cũng tạo ra áp lực cho các Bộ trưởng và Trưởng ngành trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng cho biết, sau khi có các nghị quyết, kết luận này thì Chính phủ và Thủ tướng đã tổ chức triển khai rất nghiêm túc và đạt được một số kết quả rất tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội cũng như củng cố quốc phòng, an ninh.

Tháng 4/2019, Chính phủ đã có 10 báo cáo chuyên đề gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ đánh giá rất cao và đồng tình với báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như ý kiến của nhiều đại biểu hôm nay đã phát biểu. Thay mặt cho Chính phủ và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cảm ơn và sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến tại phiên chat vấn để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà trong nghị quyết, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao, đặc biệt là những nội dung đã đề ra nhưng chưa làm được hoặc kết quả còn hạn chế; những nội dung đã làm nhưng chưa hoàn thành./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác