BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG – VẬN TẢI TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 36 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

15/08/2019

Ngày 15/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên chất vấn các đại biểu dành nhiều câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể về giải pháp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc quan trọng, việc triển khai thu phí tự động không dừng, bồi thường hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dự án giao thông…

Xác định rõ nguyên tắc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thanh Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An về việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do đây là dự án quan trọng quốc gia, nên Chính phủ xác định thực hiện dựa trên ba nguyên tắc.

Nguyên tắc thứ nhất, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Nguyên tắc thứ hai là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Nguyên tắc thứ ba, đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội nên phải chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, thời gian qua, Bộ đang triển khai nhiều thủ tục liên quan. Hiện Bộ đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế, thi công vượt dự toán.

Bộ cũng đã báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này, bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tập trung bổ sung vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ về việc đảm bảo tiến độ thi công dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 trong thời gian tới như thế nào khi nhà đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận -  Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất của đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ triển khai dự án cách đây từ 10 năm tuy nhiên đến nay tiến độ còn chậm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, đối với đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận, vừa qua Chính phủ đã quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và cơ quan nhà nước có liên quan đã điều chỉnh hợp đồng, đưa vào điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. Về phía nhà nước đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, hiện nay, phần vốn nhà đầu tư đã bỏ vào hơn 3.000 tỷ đồng và vốn còn lại liên quan đến cơ quan tín dụng.

Chính phủ đã họp giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng và vốn liên doanh để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng đã phối kết hợp để bổ sung vốn, nếu được vốn tín dụng này cùng với vốn nhà nước và nhà đầu tư thì dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2021.

Riêng cầu Mỹ Thuận 2, được Quốc hội bố trí vốn và Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thành hồ sơ thiết kế kĩ thuật và dự toán. Theo kế hoạch thì đến quý I/2020, sẽ khởi công dự án. Tháng 12/2019, sẽ khởi công xây dựng đường nối dẫn vào cầu.

Đối với đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chưa mở thầu, do chưa có phương án tài chính khả thi. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 932 tỷ đồng cho dự án này. Đến khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ sẽ mở thầu dự án.

Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long để sử dụng 932 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Đồng thời, trong đầu năm 2020 làm việc với nhà đầu tư được lựa chọn sẽ tập trung thiết kế và tổ chức thi công thực hiện chỉ đạo cảu Thủ tướng Chính phủ bảo đảm thông tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải

Về vấn đề này, đánh giá câu trả lời của Bộ trưởng thỏa đáng, đặt ra tiến độ cụ thể từ nay đến cuối năm 2020 thông tuyến và ngay đầu năm 2021 đưa vào khai thác theo kết luận của Thủ tướng vào phiên họp 27/5. Song Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn khi mà thời gian còn ngắn, mà công việc triển khai còn bề bộn, không rõ trong khoảng 16 tháng nữa có triển khai được không.

Nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để chậm tiến độ triển khai thu phí không dừng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải đã tập trung chỉ đạo thu phí điện tử, thu phí không dừng, quyết tâm đến 31/12/2019 sẽ hoàn thành toàn tuyến với với 44 trạm, 620 làn. Tuy nhiên, qua kết quả làm việc của Bộ với Tổng cục đường bộ cho thấy hiện nay mới triển khai 29 trạm và với 161.

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Nghị quyết 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng. Theo quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 thì đến 31/12/2019 toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động, không dừng. Cách đây khoảng 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục có Nghị định trên phạm vi toàn quốc chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải và các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện công tác này.

Về tiến độ thực hiện, trong 2 năm nay có 2 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ không dừng, do đó các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, hàng tháng Bộ đều họp giao ban và có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT, tư vấn đã có sẵn, sự sẵn sàng các nhà đầu tư trong điều kiện hợp đồng và trong phối hợp thực hiện, nếu nhà đầu tư phối hợp tốt thì sẽ triển khai nhanh.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi họp chỉ có một đơn vị quan ngại nhất, đó là Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam - đây là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tổng Công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng, nhưng đến thời điểm này triển khai chậm. Bộ đã có văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để báo cáo tình hình, nếu tình hình không cải thiện và chậm, trách nhiệm hoàn toàn thuộc nhà đầu tư. Và đến ngày 31/12/2019 không hoàn thành thì sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng.

Hiện nay Bộ thực hiện kiểm tra tiến độ hàng tháng, có giải pháp để nhà các đầu tư không bất ngờ, nếu cứ chây ì thì phải chấp nhận hậu quả kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng. 

Tranh luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc triển khai trạm thu phí không dừng, chúng ta quyết tâm thế là tốt, nhưng phải đánh giá hết, lường hết những vấn đề mà nếu như kết thúc các doanh nghiệp không chấp hành. Việc thu, hay không thu là vấn đề rất lớn. Hơn nữa, khi thực hiện điện tử, thì những người sử dụng dịch vụ này phải được phổ cập kiến thức. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại lưu ý, đây là việc rất lớn, có xáo trộn xã hội, mặc dù nhà nước có chỉ đạo. 

Cố gắng đến 2022 sẽ xong đường tránh tuyến TP Long Xuyên

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại về thời điểm tiến hành khởi công và hoàn thành dự án đường tránh tuyến thàn phố Long Xuyên đã được Chính phủ phê duyệt và Thủ tướng 2 nhiệm kỳ tập trung quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đáng lẽ dự án đã được triển khai cách đây nhiều năm, nhưng có nhiều thủ tục chưa hoàn chỉnh. Vừa qua, Bộ đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho thàn phố Long Xuyên và tỉnh An Giang, hiện chính quyền địa phương đang tiến hành công tác kiểm đếm, làm các thủ tục chuẩn bị chi tiền.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Riêng vốn sử dụng vốn ODA, vừa qua Quốc hội đã thống nhất bổ sung 8 dự án ODA, trong đó có dự án Long Xuyên, hiện Chủ tịch nước đã ký hiệp định và đồng ý bổ sung dự án. Khâu cuối cùng là phiên làm việc của Bộ Tài chính với phía cung cấp vốn dự án ODA để hoàn thành hiệp định, đầu năm 2020 khi hiệp định được ký sẽ cố gắng hoàn thành. Thời gian thi công khoảng 2 năm, cố gắng năm 2022 sẽ xong đường tránh tuyến thành phố Long Xuyên.

Phối hợp với người dân và chính quyền địa phương làm tròn trách nhiệm trong hỗ trợ, bồi thường

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phản ánh, dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên gây lún nhà ở người dân từ năm 2015 đến nay đã có 990 hộ được bảo hiểm thẩm định và đền bù; hiện nay còn 2031 hộ được giám định nhưng chưa được chi trả tiền hỗ trợ và phát sinh thêm 269 hộ chưa được kiểm tra, thẩm định và đánh giá. Đại biểu đặt câu hỏi thời gian nào Bộ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiến hành chi trả, bồi thường cho các hộ dân trên.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên hoàn thành từ năm 2015 và trong quá trình thi công gây lún nứt một số nhà dân nứt. Trong giai đoạn thi công và mới nghiệm thu thì ban quản lý dự án cùng nhà thầu và các địa phương phối hợp tiến hành kiểm đếm, thực hiện chi trả cho những hộ bị lún, nứt. Hiện nay, bảo hiểm đã giải ngân cho khoảng 800 hộ. Qua phản ánh của đại biểu và cập nhật số liệu của Bộ, Ban quản lý dự án, các nhà thầu cho thấy có 1723 hộ với kinh phí cần hỗ trợ khoảng 5,3 tỷ đồng. Trên cơ sở thống kế đầy đủ Ban quản lý dự án đang làm việc với các chủ hộ và cơ quan địa phương để rà soát. Bộ đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm thống nhất các thông số và đến đầu năm 2020 sẽ chuyển tiền để địa phương chi trả cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng các khiếu nại của người dân được phản ánh sau khi dự án được hoàn thành, bên cạnh việc tổ chức chi trả hỗ trợ kịp thời thì Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng cần xem xét lại những phản ánh trong thời gian gần đây, xem có đúng nguyên nhân do thi công. Cùng với đó Bộ vẫn sẽ tích cực phối hợp với địa phương và cùng với người dân để rà soát cụ thể, cố gắng đến đầu 2020 chuyển tiền, làm tròn trách nhiệm với người dân./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác