Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo thông báo kết luận nội dung phiên họp, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương xây dựng Quốc hội điện tử. Đồng thời, lưu ý việc xây dựng Quốc hội điện tử không chỉ là một Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong một giai đoạn nhất định, mà là một quá trình lâu dài, liên tục cập nhật theo sự phát triển của công nghệ. Đề án phải bảo đảm sự liên thông, đồng bộ trong hoạt động của Quốc hội; sự kết nối giữa các cơ quan của Quốc hội cũng như kết nối với các hệ thống bên ngoài Quốc hội (các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…); đồng thời, có những giải pháp về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, trước mắt, nhiệm vụ của Đề án là xây dựng mô hình kiến trúc và các thành phần nội hàm; xác định rõ các ứng dụng, phần mềm, thiết bị để có phương án đầu tư hoặc thuê vận hành.Trên cơ sở đó, phân loại các dự án thành phần (dự án đầu tư thiết bị, phần mềm hay dự án thuê vận hành phần mềm); trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và các luật khác liên quan, bảo đảm hiệu quả của việc đầu tư và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến vào Đề án. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, tiếp thu, hoàn thiện Đề án, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các ứng dụng, phần mềm hiện tại theo góp ý của đại biểu Quốc hội; đẩy mạnh thử nghiệm những sản phẩm ứng dụng mới hữu ích để phục vụ hoạt động của Quốc hội. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong cuộc họp, làm việc.
Quốc hội là một trong những cơ quan được đánh giá là áp dụng công nghệ thông tin sớm nhất, hiệu quả nhất trong số các cơ quan nhà nước. Năm 2015, trong buổi khai trương Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội được xây dựng với các chức năng cơ bản: Tích hợp, cập nhật thông tin, hình ảnh về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; Từng bước tạo môi trường nền dịch vụ điện tử trực tuyến hỗ trợ quá trình tác nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan của Quốc hội; đảm bảo sự phối kết hợp trong mỗi cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng Quốc hội điện tử.
Không chỉ có Cổng Thông tin điện tử Quốc hội góp phần truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội tới công chúng và ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội... Quốc hội còn có trang Dự thảo online (duthaoonline.quochoi.vn) là kênh thông tin để người dân theo dõi góp ý vào những dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động của Quốc hội, hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, thông qua phần mềm hỗ trợ, đại biểu Quốc hội không cần phải mang theo nhiều tài liệu, dự thảo mà có thể dễ dàng truy cập trên thiết bị cầm tay cá nhân. Phần mềm không chỉ cung cấp hồ sơ dự án luật mà còn hỗ trợ đại biểu Quốc hội tra cứu thông tin tham khảo, lịch sử lập pháp, kinh nghiệm quốc tế liên quan đến dự án luật đang được bàn thảo, yêu cầu hỗ trợ tức thì. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội đối với các phương án khác nhau trong dự thảo luật bằng hệ thống điện tử để tiện theo dõi, thống kê.
Qua lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về phần mềm hỗ trợ cho thấy nhiều đại biểu đánh giá cao tính tiện ích của phần mềm. Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại kỳ họp vừa qua đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các đại biểu.
Sau những hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin riêng lẻ, thì việc xây dựng Quốc hội điện tử cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cũng như nỗ lực để cùng với các cơ quan nhà nước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, song hành cùng với Chính phủ, hướng tiếp cận gần hơn với người dân./.