Toàn cảnh bế mạc Phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn ngân sách trung ương; việc bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai; Xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, kiêm nhiệm Liên bang Micronesia.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bàn về công tác nhân sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp lần thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nội dung phiên họp lần này tương đối nhiều, thời gian họp không dài nhưng với tinh thần tập trung, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, tại phiên họp này sự chuẩn bị tài liệu của các cơ quan hữu quan được chú trọng hơn, bảo đảm chất lượng đã góp phần tạo thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xem xét, cho ý kiến và quyết định các vấn đề đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau phiên họp, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẩn trương, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo giám sát gửi đại biểu Quốc hội; đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ký ban hành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương hoàn thiện và gửi dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 08/05 tới. Dự kiến kéo dài trong 03 ngày làm việc, phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về những nội dung còn lại để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, khẩn trương chuẩn bị các nội dung để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội không nhiều, do đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương rà soát các nội dung trình Quốc hội, đảm bảo chất lượng và tiến độ./.