\
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, điều Chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2020 gồm 14 dự án. Theo đó, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Chương trình thông qua có 8 dự án, gồm 4 dự án được gối từ chương trình năm 2019. Có 4 dự án mới được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 10, chương trình thông qua gồm 5 dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với Chương trình năm 2019, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án. Trong đó, đề nghị rút ra khỏi chương trình 2 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Với Luật Đất đai, Chính phủ giải thích, theo nghị quyết số 57/2018/QH14, dự án luật này thuộc Chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8). Nay, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 vì một số lý do.
Thứ nhất, hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…
Thứ hai, ngày 6/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, trong đó Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ "chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai".
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn về lộ trình sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên Luật Đất đai tác động rất nhiều chiều, qua giám sát về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai thấy còn rất nhiều vấn đề. Nếu không nghiên cứu đánh giá một cách kỹ lưỡng thì có thể sẽ tạo thêm những khó khăn mới. Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ năm 2014, và điều chỉnh rất nhiều luật có liên quan. Vì sự quan trọng đó, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nên lùi lại việc cho ý kiến về Luật Đất đai để đánh giá thêm tác động và chuẩn bị kỹ thêm. Nếu thấy có những vấn đề cần xem xét để tháo gỡ khó khăn thì có thể đưa ra một Nghị quyết thí điểm, sau khi thí điểm mới sửa chính thức Luật Đất đai.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh thống nhất phương án đề nghị của Chính phủ về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai khỏi chương trình năm 2019. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với việc đưa dự án Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2019; song còn băn khoăn về lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai thời gian qua, đánh giá tác động của việc ban hành những chính sách mới trong Luật này
Về thời hạn lùi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai thời gian qua, đánh giá tác động của việc ban hành những chính sách mới trong Luật này đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đề nghị đưa Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020./.