Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, trong năm 2018, đã có một số lượng lớn các dự án được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và nhiều bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn hạn chế như: một số dự án luật phải xin rút ra khỏi Chương trình, lùi thời hạn trình; có dự án luật phải lùi thời hạn và chuyển từ quy trình 02 kỳ thành 03 kỳ họp; một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật.
Tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: Để góp phần ổn định nền kinh tế - xã hội, các bộ phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành nên thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật chưa thỏa đáng; Lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng pháp luật; Khi đề xuất đưa các dự án vào Chương trình, các cơ quan đề xuất, lập đề nghị chưa dự liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện; Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ còn hạn chế; Chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, việc huy động được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng, ban hành văn bản còn hạn chế.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2019, ngoài 03 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019 theo Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án, dự thảo, bao gồm: rút ra khỏi Chương trình 02 dự án luật; lùi thời hạn trình 02 dự án; bổ sung vào Chương trình 06 dự án, dự thảo. Trong số 06 dự án, dự thảo bổ sung, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu thực thi Hiệp định CPTPP. Tóm lại, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 09 dự án so với Nghị quyết số 57/2018/QH14.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình cho đến xem xét, thông qua tiếp tục được đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường trong tất cả các giai đoạn của quy trình. Việc lập dự kiến Chương trình, tổng kết thi hành pháp luật, nghiên cứu xây dựng chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ yêu cầu, phân công chuẩn bị và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan vào cuộc.
Mặc dù đã có những đổi mới nhưng sự chuyển biến còn chậm, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế: nhìn lại 03 năm qua cho thấy, tính dự báo của Chương trình không cao, tính “gối đầu” thấp, thiếu tầm nhìn cho năm tiếp theo. Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình còn nhiều. Nghị quyết về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ chưa thể hiện rõ những chính sách của dự án được Chính phủ thông qua. Vẫn còn một số dự án hồ sơ được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định; còn nhiều nội dung giao quy định chi tiết.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân nhất trí cao với những đánh giá như trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, công tác xây dựng pháp luật được tiếp tục đổi mới, sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan chặt chẽ hơn, các cơ quan đã cùng nhau lắng nghe, cùng nhau tiếp thu. Trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra đã được nâng lên rõ rệt. Các vấn đề lớn của từng dự án Luật được tranh luận thấu đáo, tính phản biện ngày càng cao, dẫn đến kết quả các dự án luật được thông qua với tỉ lệ cao. Tuy nhiên, tính dự báo trong chương trình xây dựng chưa cao nên việc rút, lùi, bổ sung diễn ra liên tục hàng năm.
Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với nguyên tắc có điều chỉnh chương trình 2019 nhưng không được xáo trộn những chương trình Quốc hội đã được quyết định, chỉ đưa ra khỏi chương trình những dự án Luật nào chưa đảm bảo chất lượng, chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc đưa khỏi chương trình năm 2019 với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; lùi thời gian trình 1 kỳ họp, từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; bổ sung vào chương trình năm 2019 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và bổ sung vào năm 2019 dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Đồng thời, điều chỉnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh lùi 2 kỳ họp, từ trình xin ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sang xin ý kiến vào Kỳ họp thứ 9. Không bổ sung Luật Thi đua khen thưởng vào chương trình năm 2019 mà đưa vào cuối năm 2020. Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, đa số đồng ý với đề nghị đầu năm 2020 trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Uỷ ban Pháp luật và Bộ Tư pháp hoàn thiện lại dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoàn chỉnh dự kiến danh mục cụ thể để báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7./.