Toàn cảnh phiên họp
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch (Luật sửa đổi 11 luật). Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (Luật sửa đổi 37 luật).
Thực hiện Nghị quyết số 109/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2018, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ nghiên cứu xây dựng dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc ban hành dự án Pháp lệnh này để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.
Việc xây dựng dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch đảm bảo tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và các nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi 11 luật và Luật sửa đổi 37 luật; đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về quản lý nhà nước của các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng trình bày Tờ trình
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 04 pháp lệnh: Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng; Pháp lệnh Quản lý thị trường; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh Thư viện và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có liên quan, bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019; và cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh, những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch được đề xuất đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch và phù hợp với mục đích, yêu cầu về bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm không để sót các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí việc sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch cần thống nhất theo nguyên tắc đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, theo đó các pháp lệnh có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với Luật Quy hoạch; bảo đảm các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia phải thực hiện theo Luật Quy hoạch; bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; bảo đảm sự thống nhất nội tại của các pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung và tính khả thi khi triển khai thi hành các quy định về quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
Về hồ sơ dự án Pháp lệnh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Pháp lệnh đã chuẩn bị theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản đáp ứng điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại phiên họp thứ 29 theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí nội dung sửa đổi, bổ sung các điều của Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng, theo đó quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng không được lập riêng mà là nội dung trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng (mục 24 Phụ lục I của Luật Quy hoạch) để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định về “định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng” của quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng tại khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 13, Điều 15 và khoản 2 Điều 24 của dự thảo sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng, chưa thể hiện được đầy đủ nội dung về công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng hiện hành sẽ là nội dung về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị bổ sung căn cứ để xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, vì đây là quy hoạch ngành quốc gia, có nội dung về công nghiệp quốc phòng. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng ý kiến trên là hợp lý và đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu tại dự thảo Pháp lệnh. Một số ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng để thống nhất với quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng (quy hoạch ngành quốc gia) của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định trong Luật Quy hoạch, là căn cứ lập kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, bỏ quy định về “tổ chức lập nội dung định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng” để phù hợp với tên của Điều. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng ý kiến trên là hợp lý và đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Pháp lệnh theo hướng như trên.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Pháp lệnh Quản lý thị trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ, theo đó bỏ cụm từ “quy hoạch” tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc sửa đổi này phù hợp với quan điểm khi xây dựng Luật Quy hoạch là khắc phục tình trạng lạm dụng từ quy hoạch, đồng thời phù hợp với nguyên tắc đã được áp dụng khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng tán thành nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ lại nội dung “tổ chức quản lý hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng” tại khoản 2 Điều 34a hiện hành. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Pháp lệnh để đảm bảo không thay đổi nội dung quản lý nhà nước.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Pháp lệnh Thư viện, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 24 Pháp lệnh Thư viện, theo đó quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình thư viện không được lập riêng mà là nội dung trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao (mục 14 Phụ lục I) và các quy hoạch có liên quan khác để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất với cách thức sửa đổi tại các luật, pháp lệnh khác, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 24 Pháp lệnh Thư viện theo hướng Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các loại hình thư viện; tổ chức lập phương án phát triển mạng lưới thư viện trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và các quy hoạch có liên quan khác.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất về mặt nội dung đối với Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đúng quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp để có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này ngay sau phiên họp hôm nay.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát về mặt kỹ thuật, hoàn thiện toàn bộ dự thảo Pháp lệnh về mặt nội dung lẫn hồ sơ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua./.