Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội
Hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội
Trình bày dự thảo Báo cáo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan đã quan tâm tiếp thu và giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp thứ ba, thứ tư, Quốc hội khóa XIV; tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương hành chính bị buông lỏng. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động xấu hơn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân; tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp… gây nhiều lo lắng, bất an trong Nhân dân.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn phản ánh về một số vấn đề như: Việc một số cá nhân với danh nghĩa Hội thánh Đức Chúa trời đang lôi kéo, tuyên truyền những giáo lý sai lạc, mê tín dị đoan, gây mất an ninh, trật tự xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở một số địa phương; tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội…
Đề xuất 5 nhóm kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương
Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản của Nhà nước; tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí.
Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch khu dân cư, hạ tầng cơ sở; đánh giá kỹ tác động môi trường và tính khả thi trước khi triển khai xây dựng các dự án chung cư, nhà cao tầng tại các thành phố lớn.
Chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát chất lượng, công tác quản lý của các dự án, khu chung cư, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, nâng cao ý thức người dân, cộng đồng về việc phòng ngừa cháy nổ; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước.
Về tình trạng khai thác cát trái phép, chặt phá rừng tự nhiên đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xử lý nghiêm minh, kiên quyết hơn đối với những cán bộ bao che cho các đối tượng vi phạm.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tập trung giải quyết một số vấn đề như: phát triển văn hoá - xã hội, thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm; tiếp tục quan tâm bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất lao động, chăm lo cải thiện đời sống Nhân dân.
Tiếp tục rà soát tổng hợp phản ánh bao quát, đầy đủ các kiến nghị của cử tri
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao dự thảo báo cáo và cho rằng đây là một báo cáo rất công phu và tương đối đầy đủ.
Các ý kiến phát biểu đều cơ bản tán thành với 6 nhóm ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được tổng hợp trong dự thảo. Đây đều là những vấn đề lớn nổi lên trong đời sống xã hội trong thời gian qua được Nhân dân và cử tri quan tâm. Có những vấn đề đã được cử tri và Nhân dân kiến nghị, tuy nhiên vì là những vấn đề bức thiết nên tiếp tục được gửi đến Quốc hội. Có nội dung được Quốc hội giám sát, nhiều nội dung liên quan đến các dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp sắp tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ thêm các nội dung để đảm bảo việc tổng hợp được bao quát, đầy đủ, đặc biệt đối với những vấn đề mang tính thời sự, bức thiết như phát triển giao thông, tái cơ cấu nông nghiệp, y tế, bảo hiểm y tế và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vấn đề xây dựng nông thôn mới, vấn đề tinh giản bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vấn đề phòng, chống tham nhũng, v.v.. Đặc biệt cần bổ sung thêm hình thức tiếp xúc cử tri làm sao tránh tình trạng cử tri chuyên nghiệp hay cử tri cán bộ là chính.
Đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Lượng hóa được số lượng tỷ lệ ý kiến, kiến nghị đối với từng lĩnh vực, địa bàn, lĩnh vực nào được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa chuyển biến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành 5 nhóm kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày và cho rằng, các ý kiến bám sát, xuất phát từ nội dung kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây vừa là đề xuất, kiến nghị vừa tạo cơ sở cho giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan hữu quan. Đề nghị đưa vào kiến nghị đầu tiên liên quan đến ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp.
Đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục rà soát, phân loại làm rõ những đề xuất nào được nêu nhiều lần, cần phải có lộ trình, thời hạn cụ thể để giải quyết dứt điểm không kéo dài; kiến nghị cụ thể đối với từng nhóm với Quốc hội, Chính phủ với các ngành, các cấp để rõ từng mảng và nội dung.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện văn bản gửi kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.