Chú trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học

15/04/2025

Đóng góp ý kiến vào Luật Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật cần chú trọng tới ưu tiên chính sách về phát triển nguồn nhân lực; giảm bớt các thủ tục thanh toán hóa đơn, chứng từ để các nhà khoa học thuận lợi, tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo đề tài khoa học...

Sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ phải có tính khả thi khi được áp dụng vào cuộc sống

Sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ cần gắn với đổi mới sáng tạo

Thực hiện Phiên họp thứ 44, sáng 15/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Đề cập về mục đích ban hành Luật KH,CN&ĐMST, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật nhằm tạo hành lang pháp lý để KH,CN&ĐSMT đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Toàn cảnh Phiên họp

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 03/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024 (và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cụ thể: Chính sách 1: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; Chính sách 2: Phát triển tiềm lực KH&CN; Chính sách 3: Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST; Chính sách 4: Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; Chính sách 5: Tăng cường phổ biến tri thức KH&CN. Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật KH,CN&ĐMST đã bổ sung Chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật KH,CN&ĐMST với các lý do đã nêu trong Tờ trình số 163/TTr-CP của Chính phủ.

Về quan điểm xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục: (i) Bám sát và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; (ii) Thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và ĐMST; (iii) Cần thể hiện rõ ràng “chủ thuyết” phát triển KH,CN&ĐMST trong dự thảo Luật bởi đây được coi là đạo luật gốc trong lĩnh vực này; (iv) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính khả thi của Luật để đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Về quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.  

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Về quy định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ: Các chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KH,CN&ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, làm động lực để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST mạnh mẽ hơn.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho KHCN&ĐMST

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: chính sách phát triển KHCN&ĐMSL, giảm bớt các thủ tục hành chính cho các nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, kiến tạo một không gian phát triển khoa học công nghệ cho xã hội...

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật KH,CN&ĐMST, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tại Điều 11 đề cập đến 10 nội dung về chính sách phát triển KHCN. Tuy nhiên, chính sách về phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng thì lại được xếp cuối cùng sau các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và chính sách về hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đóng góp ý kiến tại Phiên họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc đưa chính sách nào lên hàng đầu trong Luật KH,CN&ĐMST là thể hiện thứ tự ưu tiên. Theo đó, đối với phát triển khoa học công nghệ thì chính sách về nguồn nhân lực là vấn đề cần phải ưu tiên hàng đầu. Bởi đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo bước đột phá theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW xác định yếu tố tiên quyết là thể chế nhân lực, hạ tầng dữ liệu và công nghệ chiến lược. Trong đó, cần có những ưu tiên rõ ràng về thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ từ trí thức Việt kiều và người nước ngoài như chủ trương đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW là ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống; có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước có khả năng tổ chức điều hành, chỉ huy triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển, trí tuệ nhân tạo...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm tại Phiên họp

Nêu quan điểm tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần sửa đổi Luật KH&CN hiện hành và nên bổ sung nội dung ĐMSL vào trong Luật này. Phạm vi sửa đổi Luật KH&CN nên nhấn mạnh vào những nội dung trọng tâm, trong đó chú trọng tới giảm bớt các thủ tục cho các nhà khoa học khi phải dành thời gian thanh toán hóa đơn chứng từ. Điều này góp phần tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo đề tài khoa học.

Kiến tạo một không gian phát triển khoa học công nghệ cho xã hội

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cách tiếp cận Luật KH,CN&ĐMSL đã có sự đổi mới rõ rệt là không có sự phân biệt khu vực, tổ chức công lập và tư nhân. Trong đó, ưu tiên tạo điều kiện, động lực để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Luật KH,CN&ĐMST không chỉ để quản lý mà để kiến tạo một không gian phát triển khoa học công nghệ cho xã hội, chứ không chỉ để dành riêng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học. Mọi sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ phải đi tới thị trường, được ứng dụng, phục vụ trong cuộc sống để tránh bị lãng phí nguồn lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận Phiên họp

Để thực hiện được việc làm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban KH,CN&MT tiếp thu tối đa, nghiên cứu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó lưu ý tới đóng góp tháo gỡ những khó khăn cho các nhà khoa học để làm sao không phải vướng bận vào các công đoạn làm thủ tục hóa đơn, chứng từ. Việc làm này cũng góp phần đẩy nhanh nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng trên thị trường.

Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu các ý kiến đóng góp tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan nhanh chóng hoàn thiện dự án Luật KH,CN&ĐMSL một cách đầy đủ hơn để trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành nội dung Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Các lãnh đạo Quốc hội tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.

Bích Lan - Phạm Thắng