CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: GIẢM THUẾ ĐỂ KÍCH CẦU, CÓ LỢI CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC LÀM GIẢM THU NGÂN SÁCH

13/05/2023

Sáng 13/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng. Cơ bản nhất trí với sự cần thiết giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý đánh giá rõ tác động, có các giải pháp điều hành ngân sách bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách, cân đối ngân sách.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 13/5: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ 03 NỘI DUNG VÀ BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng

Còn nhiều định tính trong đánh giá tác động khi đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng

Để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, ngày 05/5/2023 Chính phủ đã có Tờ trình số 188/TTr-CP đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT trong năm 2023 đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, qua thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách có một số ý kiến băn khoăn khi đề xuất việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023. Theo đó, việc tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2022 để làm căn cứ cho việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách giảm thuế GTGT chưa thật sự đầy đủ và phù hợp. Tờ trình và các báo cáo của Chính phủ chủ yếu liệt kê toàn bộ các chính sách đã ban hành, trong đó có việc giảm thuế GTGT. Ngoài số liệu về giảm thu ngân sách thì các đánh giá và nhận định nhìn chung đều ở mức khái quát và định tính, chưa thấy rõ các tác động cụ thể của chính sách giảm thuế GTGT để kích cầu và thúc đẩy kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

Việc giảm thuế GTGT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn. Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bù đắp khoản giảm thu này để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước năm 2023.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc đề xuất giảm thuế GTGT vào thời điểm tháng 5/2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực doanh nghiệp. Sự ngắt quãng trong thực hiện chính sách còn dẫn đến những hạn chế và phí tổn khác trong quản lý và thực hiện, phức tạp trong xử lý chuyển tiếp cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Nhất trí với ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đề xuất để cho tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8% là rất cần thiết. Tuy nhiên đến nay mới đề xuất chính sách là muộn và chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm từ cuối quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế đã hết sức khó khăn, đơn hàng suy giảm, sản xuất, thành lập doanh nghiệp, đời sống của người dân dự báo trong thời gian sắp tới vẫn hết sức khó khăn. Trong mấy năm dịch COVID-19 sức khỏe của doanh nghiệp cũng bị bào mòn. Do đó, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế như Nghị quyết 43/2022/NQ15 là cần thiết nhưng cần đánh giá tác động rõ hơn, ảnh hưởng của việc miễn giảm thuế đối với một số mặt hàng ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu ngân sách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, điều quan trọng là xem các đối tượng, mặt hàng hóa, dịch vụ nào cho miễn, giảm. Chính phủ trình mở rộng ra hết tất cả các hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%. Ý kiến thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng chỉ nên theo đúng tinh thần tiếp tục Nghị quyết số 43/2022/QH15, trừ một số mặt hàng, hàng hóa, dịch vụ ít tác dụng, thậm chí được hưởng lợi trong COVID-19 như công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đánh giá tác động của chính sách ban đầu còn rất định tính nên khó có thông tin đầy đủ về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ quan điểm hoàn toàn ủng hộ mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nếu giảm thuế để kích thích tiêu dùng được nhiều hơn, tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác. Nhưng nếu như ảnh hưởng đến nguồn thu phải báo cáo làm rõ hơn để Quốc hội có thêm thông tin để quyết định chính sách này.

Tổ chức thực hiện chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách

Đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn. Nếu tính hết các yếu tố khách quan tổng dự toán thực tế thu đã thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 6%. Cả người dân và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Mặt khác, lập luận lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn phù hợp đã có đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, triển khai kịp thời; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023 để đảm bảo an ninh tài chính và an toàn tài chính quốc gia. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm khả thi, vừa có phần giảm để kích cầu, vừa lấy phần kích cầu đó để bù vào phần hụt thu, lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng cũng không làm giảm thu ngân sách trong giai đoạn hiện nay và không làm tăng bội chi ngân sách. Chính phủ phải chịu trách nhiệm và sau này không thể nói rằng vì việc này mà thu ngân sách giảm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến về phạm vi, đối tượng theo tinh thần đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu đề ra và thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép; đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp trong thẩm quyền để hỗ trợ đời sống Nhân dân, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian áp dụng nghị quyết từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Để hoàn thiện hồ sơ tài liệu trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung cụ thể hơn việc tổng kết đánh giá quá trình thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, bổ sung các dẫn chứng, số liệu cụ thể cho các nhận định đánh giá trong báo cáo. Đánh giá cụ thể hơn tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng đến tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng, nguồn thu ngân sách nhà nước, ngoài việc dự kiến giảm thu cần dự kiến số tăng thu thêm do mở rộng sản xuất, kinh doanh cho tăng tiêu dùng để thuyết minh, thuyết phục hơn.

Bảo Yến

Các bài viết khác