BỘ NHẬN DIỆN QUỐC HỘI VIỆT NAM: THỂ HIỆN TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

12/10/2022

Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/2017/QH14 VỀ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HCM

Toàn cảnh phiên họp

Thể hiện tính chuyên nghiệp, hiện đại của Quốc hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Trình bày Tờ trình về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trải qua gần 77 năm hình thành và phát triển, với vị thế đã được Hiến định là “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành sứ mệnh là cầu nối để Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, là diễn đàn chính trị quan trọng để ý chí của Nhân dân trở thành ý chí của Nhà nước.

Từ khi Quốc hội được thành lập đến nay, biểu trưng, hình ảnh riêng, chính thức về Quốc hội Việt Nam chưa từng được công bố, mà Quốc hội chủ yếu sử dụng các hình ảnh Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, biểu trưng Nhà Quốc hội… để gắn với hoạt động, sự kiện của Quốc hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng các hình ảnh, biểu trưng còn chưa đồng bộ, nhiều sản phẩm chưa thể hiện đúng quy chuẩn, quy định của cơ quan nhà nước, chưa phản ánh sâu sắc và rõ nét tính đặc trưng của Quốc hội, đã phần nào ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại của Quốc hội cũng như sự đổi mới về hình ảnh và hoạt động của Quốc hội trong hệ thống chính trị và trong tình hình mới.

Do đó, việc sớm ban hành Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam và hoàn thành thủ tục đăng ký bản quyền logo, Bộ nhận diện là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị; truyền tải thông điệp gần gũi, thân thiện với cử tri, Nhân dân và bạn bè quốc tế của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có hình ảnh, biểu trưng chính thức dùng chung cho tất cả các hoạt động, sự kiện liên quan đến Quốc hội; tạo dấu ấn của Quốc hội khóa XV, phản ánh tính chuyên nghiệp, hiện đại của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam được xây dựng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ về việc sử dụng hình ảnh Quốc hội Việt Nam thuộc phạm vi trong và ngoài Quốc hội, nhất là hoạt động đối ngoại của Quốc hội; Xây dựng hình ảnh Quốc hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với quá trình đổi mới đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế; truyền tải thông điệp, tạo sự gắn bó mật thiết giữa người dân với Quốc hội; tuyên truyền hình ảnh Quốc hội Việt Nam đến cử tri, Nhân dân cả nước ấn tượng, gần gũi, dễ hiểu.

Việc xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam bảo đảm tính chính trị, pháp lý và phù hợp với chủ trương chung trong công tác thông tin, tuyên truyền về Quốc hội; phù hợp với các quy chuẩn trong việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ…;đồng thời, bảo đảm tính trang trọng, hiệu quả, thẩm mỹ cao và tạo ấn tượng tốt đẹp. Nghiên cứu xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thiết kế mẫu logo và công tác tuyên truyền hình ảnh Quốc hội Việt Nam trước đây; tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm tính kế thừa nhưng được phát huy, đổi mới, cải tiến, nâng cấp từ các hình ảnh nhận diện trước đây của Quốc hội. Việc triển khai sử dụng Bộ nhận diện bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp áp dụng trên nhiều loại hình, chất liệu, môi trường khác nhau

Đảm bảo nét đẹp thẩm mỹ và chiều sâu ý nghĩa trong Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam

Tham gia thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam, nhằm truyền tải thông điệp gần gũi, thân thiện với cử tri, Nhân dân và bạn bè quốc tế của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phản ánh tính chuyên nghiệp, hiện đại của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng công phu, kỹ lưỡng của Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là việc chủ động tham vấn chuyên gia các lĩnh vực thiết kế, văn hóa, truyền thông trong quá trình xây dựng Bộ nhận diện.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng việc lựa chọn hình ảnh tòa nhà Quốc hội làm chi tiết chủ đạo trong logo là rất phù hợp, do Nhà Quốc hội là tòa nhà đặc biệt được thiết kế, xây dựng một cách công phu, thể hiện các yếu tố truyền thống cũng như hiện đại, với những nét đẹp, biểu tượng cho sức mạnh của nhân dân, xứng đáng làm hình ảnh đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Nhấn mạnh việc sử dụng hình ảnh tòa Nhà Quốc hội trong logo cũng phù hợp với định hướng từ khi xây dựng Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh kiến nghị trong thiết kế nên dùng hình ảnh Nhà Quốc hội với cửa mở để biểu thị tinh thần cởi mở, hội nhập của Quốc hội Việt Nam đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc xây dựng Bộ nhận diện này chính là một bước tiến trong đổi mới, phát triển Quốc hội hoạt động chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp. Đánh giá cao cơ quan chủ trì nghiên cứu đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, qua thảo luận, chưa đủ cơ sở để đi đến kết luận cuối cùng, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đảm bảo quy trình thủ tục pháp lý trong xây dựng Bộ nhận diện này, đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, rõ trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để có báo cáo tiếp thu, giải trình, đề xuất phương án với cơ sở đầy đủ vững chắc, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, biểu quyết, thực hiện các bước kế tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nên cân nhắc kỹ phạm vi sử dụng của Bộ nhận diện. Theo đó, hình ảnh Quốc huy trang nghiêm nên được sử dụng nhằm thể hiện quyền lực nhà nước trong các văn bản chính thống, còn Bộ nhận diện này sẽ được sử dụng để phục vụ công tác lễ tân, đối ngoại của Quốc hội.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng biểu tượng cho Quốc hội phải thể hiện rõ kết cấu, độ sâu, tầm vóc to lớn và cấu trúc uy nghiêm của tòa Nhà Quốc hội, bên cạnh đó, hình ảnh Quốc huy sử dụng trong biểu tượng cần có kích cỡ to để nhìn thấy rõ ràng, đảm bảo tính trang trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành phương án sử dụng màu đỏ và vàng giống màu cờ Tổ quốc cho biểu tượng này.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam. Hầu hết các ý kiến bày tỏ sự tán thành cao về sự cần thiết ban hành Bộ nhận diện này, để chính thức sử dụng với tất cả các hoạt động, sự kiện liên quan đến Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sớm ban hành Bộ nhận diện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị, truyền tải thông điệp đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng đơn vị thiết kế chủ động xây dựng Bộ nhận diện nhằm truyền tải thông điệp gần gũi, thân thiện với cử tri, Nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo dấu ấn của Quốc hội khóa XV, phản ánh tính chuyên nghiệp, hiện đại của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội khẩn trương tiếp thu các ý kiến phát biểu, nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam trình Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi ban hành quyết định về việc xác nhận logo và Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đại diện đơn vị thiết kế thuyết minh về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tài liệu, duyệt Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng việc lựa chọn hình ảnh tòa nhà Quốc hội làm chi tiết chủ đạo trong logo là rất phù hợp, xứng đáng làm hình ảnh đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nên cân nhắc kỹ phạm vi sử dụng của Bộ nhận diện

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng biểu tượng cho Quốc hội phải thể hiện rõ kết cấu, độ sâu, tầm vóc to lớn và cấu trúc uy nghiêm của tòa Nhà Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, Bộ nhận diện cần đảm bảo sự uy nghiêm nhưng cũng cần có nét mềm mại, thể hiện rõ quyền lực tối cao của Quốc hội là của nhân dân, vì nhân dân

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Quốc hội khẩn trương tiếp thu các ý kiến phát biểu, nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam trình Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Các bài viết khác